Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%.
Đặc biệt, vốn FDI vẫn chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), với gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tiếp tục duy trì vị thế dẫn dầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 7,43 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Hiện, đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm; trong đó, Singapore dẫn đầu với gần 3,25 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023.
Các đối tác đầu tư lớn nhất đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Trong đó, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 73,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Phần lớn vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên.
Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,7% số dự án mới và 75,2% số vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, mặc dù gặp nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư BĐS tổ chức và doanh nghiệp. Nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong khu vực rất lớn, đơn cử như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm đến các tài sản thương mại đang vận hành cũng như các dự án nhà ở.
Bên cạnh đó, lợi thế của Việt Nam nằm ở dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, vì vậy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo ông Matthew Powell, những thăng trầm của chu kỳ thương mại sẽ tác động tới Việt Nam, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực, trong đó có thị trường BĐS. Một số nhà đầu tư chuyên môn hơn, họ quan tâm đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi.
"Phần lớn FDI liên quan đến sản xuất, vì vậy FDI quốc tế tập trung vào các địa điểm sản xuất chất lượng cao. Điều này cho thấy nhu cầu về các khu vực sản xuất chất lượng cao ngày càng lớn, cùng với các nhà đầu tư bán lẻ và khách sạn chuyên biệt", ông nói.
Vị chuyên gia này nhận định, đã có một số giao dịch diễn ra trong lĩnh vực nhà ở với các nhà đầu tư Singapore, các giao dịch tập trung vào lĩnh vực thương mại ở TP.HCM, giao dịch khách sạn, giao dịch logistics, cho thấy sự quan tâm rất lớn đến nhiều khía cạnh.
"Có thể việc hoàn thành các giao dịch BĐS tại Việt Nam gặp khó khăn, nhưng nhu cầu vẫn ở đó. Việc dành nhiều thời gian để hợp tác với các nhà đầu tư và người bán loại hình BĐS, chúng tôi vẫn giữ vững sự lạc quan và tin tưởng vào tiềm năng đầu tư của Việt Nam", ông cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường BĐS cả nước đang từng bước hồi phục và chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển mới. Do đó, đây sẽ là thị trường tiềm năng để nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
"Trong bối cảnh chứng khoán có nhiều biến động, vàng liên tục tăng giá, lãi suất tiết kiệm về mức thấp nhất thì BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư nhiều triển vọng. Với riêng các nhà đầu tư nước ngoài, văn phòng cho thuê và BĐS công nghiệp là phân khúc được quan tâm nhiều nhất", ông Đính phân tích.
Theo Vũ Phạm (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
https://nhadautu.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-hao-hung-voi-bat-dong-san-viet-nam-d86107.html