Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Người tố cáo có được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ mình?

Chủ nhật, 13-09-2020 | 14:36:00 PM GMT+7 Bản in
Tôi nộp đơn tố cáo vi phạm của lãnh đạo quận. Gần đây tôi thấy một số đối tượng theo dõi tôi. Tôi có được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ không?

Trên đây là câu hỏi của bạn đọc có email dinhchien9x@xx gửi đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhờ tư vấn.

Luật gia Phạm Thị Hằng - Công ty Luật TNHH YouMe - trả lời:

Điều 50 Luật Tố cáo quy định về việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ như sau:

1. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của luật này thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.

2. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;

b) Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ;

c) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;

d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.

3. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

Điều 47 Luật Tố cáo quy định về người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ như sau:

1. Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

2. Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

3. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Như vậy, trường hợp có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Tư vấn pháp luật

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.

Theo PHẠM HẰNG(Báo lao động)
Ý kiến bạn đọc (0)