Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nghỉ thai sản rồi nghỉ luôn có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Chủ nhật, 15-03-2020 | 21:12:00 PM GMT+7 Bản in
Bạn đọc có email linhnguongx@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi nghỉ thai sản 6 tháng từ tháng 7 đến tháng 12 và xin nghỉ thêm 1 tháng không hưởng lương đến tháng 1.2020. Do không ai trông con nên tôi xin công ty nghỉ luôn không quay lại làm việc nữa. Tôi có đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Điều 50 Luật Việc làm quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của luật này.

Như vậy, điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp là phải có tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp liền kề tháng nghỉ việc.

Do bạn có một tháng nghỉ không lương trước khi nghỉ việc nên về nguyên tắc công ty bạn sẽ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho bạn và bạn sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thực tế nhiều nơi vẫn giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nếu tháng liền kề trước khi nghỉ việc đó có thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

 
Theo NAM DƯƠNG(Báo Lao động)
Ý kiến bạn đọc (0)