Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nghỉ sinh con có bị trừ thời gian hưởng phụ cấp thu hút?

Thứ ba, 17-01-2017 | 14:52:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Bà Đàm Thị Thùy (tỉnh Bắc Kạn) là viên chức y tế trường học tại vùng đặc biệt khó khăn, hưởng phụ thu hút từ ngày 1/3/2011. Ngày 1/11/2014, bà nghỉ chế độ thai sản. Ngày 1/5/2015, bà trở lại làm việc. Đến ngày 31/8/2016, bà hưởng phụ cấp thu hút đủ 60 tháng.

Vừa qua bộ phận kế toán của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Kế toán - Tài chính huyện đã khấu trừ quỹ tiền lương của đơn vị để thu hồi lại 6 tháng phụ cấp thu hút của bà Thùy và yêu cầu bà hoàn trả lại số tiền này cho đơn vị với lý do, bà chỉ được hưởng 54 tháng phụ cấp thu hút, còn thời gian nghỉ thai sản 6 tháng không được hưởng. Bà Thùy hỏi, việc hoàn trả lại này có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định, thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm.

Thời điểm tính hưởng phụ cấp thu hút được quy định như sau:

- Nếu đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

- Nếu đến công tác sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Khi Nghị định này hiệu lực vào ngày  1/3/2011, bà Đàm Thị Thùy đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì vậy thời gian 5 năm tính hưởng phụ cấp được bắt đầu từ ngày 1/3/2011. 

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BTC-BNV ngày 31/8/2011 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thì, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trong khoảng thời gian thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.

Như vậy, thời gian nghỉ việc sinh con 6 tháng không phải là thời gian làm việc, không được hưởng phụ cấp thu hút.

Thời gian được hưởng phụ cấp thu hút là 60 tháng làm việc thực tế, kể từ ngày bắt đầu hưởng phụ cấp thu hút.

Trường hợp bà Thùy bắt đầu được hưởng thu hút từ ngày 1/3/2011, tính đến thời điểm  nghỉ việc để sinh con vào ngày 1/11/2014, bà đã có thời gian làm việc thực tế và hưởng phụ cấp thu hút được 44 tháng.

Hết thời gian nghỉ việc để sinh con, từ ngày 1/5/2015 bà trở lại đơn vị tiếp tục  làm việc và hưởng phụ cấp thu hút cho đến ngày 31/8/2016 là đủ 60 tháng (5 năm).

Như vậy, việc yêu cầu bà Thùy hoàn trả lại 6 tháng phụ cấp thu hút trong 60 tháng phụ cấp bà Thủy đã nhận tương ứng với 60 tháng làm việc thực tế, là không phù hợp với quy định “thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm” nêu tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

          Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Báo chính phủ

Ý kiến bạn đọc (1)