Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Ngành thủy sản đương đầu khó khăn

Thứ sáu, 22-01-2016 | 13:33:00 PM GMT+7 Bản in
Là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng thủy sản Việt Nam vẫn chưa kịp thích nghi và ứng phó với nhiều rào cản.

Xuất khẩu ba sản phẩm chủ lực giảm; kim ngạch xuất khẩu ở ba thị trường lớn nhất là châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản giảm; cá da trơn xuất khẩu sẽ “vuột” mất thị trường lớn là Mỹ…

Đây là ba trong 10 sự kiện nổi bật của ngành thủy sản trong năm 2015 mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra. Ngành thủy sản Việt Nam dù đón trước cơ hội và thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng vẫn chưa kịp thích nghi và ứng phó với nhiều rào cản.

Thủy sản Việt Nam vẫn chưa kịp thích nghi và ứng phó với nhiều rào cản

Nhìn toàn cục là… giảm và khó

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho biết, năm 2015 ngành thủy sản nói chung và DN xuất khẩu thủy sản nói riêng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD/năm 2015 chẳng những không đạt mục tiêu đề ra (năm 2015 xuất khẩu 8 tỷ USD), mà còn giảm gần 15% so với năm 2014.

Đáng báo động hơn, ba mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, cá tra và cá ngừ đồng loạt giảm. Các thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản vốn tiêu thụ số lượng lớn hàng thủy sản Việt Nam cũng giảm. Nhìn lại toàn cảnh năm 2015, sự sụt giảm là hồi chuông báo động, để ngành thủy sản phải nhìn lại và xây dựng chiến lược toàn diện trong bối cảnh cạnh tranh mới, ngày càng gay gắt. Năm 2016 dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản.

Trước mắt, từ năm 2016, chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ sẽ khiến cá tra Việt Nam gặp nguy cơ mất thị trường Mỹ. Theo đó, ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thông báo quyết định triển khai Chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Mỹ.

Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang). Mốc thời gian có hiệu lực cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.

Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt trên 280 triệu USD (giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2014). Quyết định này được đưa ra và có hiệu lực trong thời gian gấp, khiến nhiều DN xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ lo lắng.

Dự báo, năm 2016, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ còn giảm mạnh so với năm 2015. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu ba sản phẩm thủy sản chủ lực là tôm, cá tra và cá ngừ giảm mạnh trong năm 2015 (tôm giảm 26,2%, cá tra giảm 10,35, cá ngừ giảm 4,1%) do khó khăn về thị trường giảm nhập khẩu, chi phí sản xuất trong nước cao.

Bên cạnh đó, biến động tỷ giá trên thị trường thế giới cũng tác động, gây khó khăn cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, bởi Mỹ, EU và Nhật Bản là ba thị trường hàng đầu. Sự biến động của đồng USD, Euro, hay đồng Yên đều tác động tới hoạt động xuất khẩu của ngành thủy sản.

Tính từ tháng 1/2013 - tháng 8/2015 đồng Euro giảm 20%, đồng yên Nhật giảm 39% so với đồng USD. Giảm giá mạnh nhất là nội tệ của các nước đang phát triển như đồng real của Brazil giảm 72%, đồng peso của Colombia giảm 52%, đồng rupiah Indonesia giảm 42%, đồng ringgit Malaysia giảm 33%, đồng rupee Ấn Độ giảm 20%, baht Thái Lan giảm 18% so với đồng USD. Sự giảm giá nội tệ của các nước đối thủ này, khiến cho nông sản và thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Vực dậy…

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năng lực chế biến thủy sản của DN Việt Nam hiện nay ổn định. Cả nước có 627 cơ sở chế biến thuỷ sản (có quy mô công nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh xuất khẩu).

Trong đó, có 488 cơ sở đông lạnh, 77 hàng khô, 19 đồ hộp, 20 nước mắm và 23 cơ sở chế biến các loại khác. Ngoài ra, còn số lượng lớn cơ sở chế biến quy mô nhỏ hộ gia đình, chế biến mặt hàng truyền thống có điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tốt.

Tổng công suất chế biến khoảng 2,8 triệu tấn/năm. Sản lượng sản phẩm thủy sản chế biến năm 2015 ước đạt 1,9 triệu tấn, trong đó sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu ước đạt 1,2 triệu tấn. DN sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản đầu tư cho quy mô sản xuất ngày càng hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Và hiện nay, các bộ ngành liên quan đang tích cực tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam đối với một số mặt hàng như thủy sản có giá trị gia tăng cao như thủy sản khô tẩm gia vị, cá tra  khô phồng... Những khó khăn về thị trường cũng được chú trọng, giúp doanh nghiệp nắm vững tình hình sản xuất chế biến, cung cầu nguyên liệu, thông tin thị trường và yêu cầu kỹ thuật các loại sản phẩm để định hướng cho các doanh nghiệp chế biến, đồng thời có thông tin cho doanh nghiệp chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm đáp ứng với đòi hỏi của thị trường xuất khẩu.Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giải quyết rào cản thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, trước mắt là tập trung tại một số thị trường lớn, truyền thống (Mỹ, EU, Trung Quốc…) và thị trường tiềm năng (châu Phi…).

Mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là phát triển ngành thủy sản bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế. Ngành thủy sản ước đưa tổng nguồn vốn cho các dự án thủy sản lên đến 1.600 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 được bố trí khoảng 399 tỷ đồng, cho 15 dự án đang thực hiện đầu tư. Điều này sẽ góp phần giảm khó cho ngành và DN.

Thanh Thanh (Thời báo Ngân hàng)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)