Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Ngành khai khoáng: Minh bạch để tránh rủi ro

Thứ năm, 17-12-2015 | 14:45:00 PM GMT+7 Bản in
Trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt thì công nghiệp khai khoáng đang ngày càng bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập và để lại nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng minh bạch hóa ngành công nghiệp này.

Ngành khai khoáng của Việt Nam cần minh bạch để hạn chế những bất cập và nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên. 

Bất cập trong cấp phép

Theo Liên minh Khoáng sản, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam tồn tại rất nhiều thách thức về vấn đề cấp phép, thu ngân sách, kiểm soát khai thác và XK trái phép. Trong đó, những bấp cập trong việc cấp phép đã làm cho tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, tạo ra lỗ hổng tham nhũng trong hoạt động khai khoáng.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bài toán phân cấp quản lý ở Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng “méo mó”. Việt Nam mới chỉ phân cấp nhưng quản lý sau phân cấp còn kém, dẫn đến hệ quả rất lớn là không có người chịu trách nhiệm. Theo quy định hiện nay, Trung ương quản lý các mỏ có trữ lượng lớn, còn địa phương cấp phép những mỏ quy mô nhỏ. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương thường vượt thẩm quyền bằng cách chia mỏ lớn ra làm nhiều mỏ nhỏ để cấp cho cùng một DN. Bên cạnh đó, sau phân cấp, chúng ta chỉ có mỗi công cụ kiểm tra, thanh tra, giám sát nhưng chỉ là dưới góc độ quản lý Nhà nước, trong khi chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội… tham gia giám sát còn yếu. Vì vậy, theo GS. Đặng Hùng Võ, cần tạo điều kiện cho chính quyền cấp xã, người dân và tổ chức xã hội tham gia giám sát hoạt động này. 

TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Quản lý khai thác than Đồng bằng sông Hồng (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cho rằng, công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam đang trong tình trạng khai thác bừa bãi, vơ vét, tận thu bằng công nghệ rất lạc hậu. Điều này là do Việt Nam chưa có chính sách tổng thể về tài nguyên khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam không thực sự “giàu có” và việc đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác không chính xác dẫn đến nhiều nơi cấp phép khai thác kiểu “lấy được”. Dẫn trường hợp ở Hà Tĩnh, ông Sơn cho hay, nhu cầu đá vôi của dự án Fomusa là khoảng 1,4 triệu tấn/năm, nhưng con số này đã được “thổi” lên 43 triệu tấn/năm, hậu quả là chính quyền đã cấp phép cho hơn 100 mỏ khai thác, riêng huyện Kỳ Anh có 60 mỏ. Đến nay, do quy mô khai thác quá nhỏ, hiệu quả thấp, nhiều mỏ trong tình trạng đã “chết” nhưng không “chôn” được, vì đã san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đã lắp ráp...

Hiện nay, việc quy định hai hình thức cấp phép là đấu giá và không qua đấu giá là không tốt, bởi nó dẫn tới cơ chế “xin – cho” và thực tế thời gian qua cho thấy mối quan hệ lợi ích đã chi phối việc cấp phép. Phân tích rõ hơn về điều này, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, việc khoanh vùng những dạng mỏ cấp quyền khai thác không phải đấu giá dẫn đến rủi ro tham nhũng trong khai thác khoáng sản là rất lớn. Rủi ro này bắt nguồn từ chính kẽ hở chính sách pháp luật và cơ chế quản lý. Theo các chuyên gia, hiện nay, số mỏ cấp phép khai thác qua đấu giá chưa được nhiều, ngoài vài mỏ vật liệu xây dựng, điều này cho thấy pháp luật không đi vào cuộc sống. Trên thực tế, việc cấp phép của địa phương vượt giới hạn mà pháp luật cho phép và cấp phép tràn lan dẫn đến những hậu quả môi trường nghiêm trọng. Thực tế này đặt ra nhu cầu cải cách rất lớn để giảm bớt rủi ro về mặt lợi ích.

Minh bạch để cân bằng lợi ích

Bên cạnh rủi ro về tham nhũng, theo bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản, khai khoáng là một trong những ngành có rủi ro thất thu ngân sách cao, chủ yếu do khai thác, XK trái phép và quản lý thuế không hiệu quả. Ngoài ra, do chưa có cơ chế giám sát hiệu quả sản lượng khai thác thực tế của DN, dẫn đến thất thu NSNN và thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia. Số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9% - 1,1% tổng thu NSNN trong giai đoạn 2011 – 2013. Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, mục tiêu của việc thu thuế tài nguyên không chỉ gắn với hiệu quả mà còn là việc quản lý tài nguyên. “Vì vậy, theo tôi cần có thuế suất phù hợp đồng thời phải quản lý tốt việc khai thác, thu nộp thuế để đảm bảo cân bằng lợi ích của hai phía Nhà nước và DN. Cần một mô hình quản lý để có thể sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đồng thời đảm bảo được môi trường”, bà Cúc kiến nghị.

Theo đại diện Liên minh Khoáng sản, công nghiệp khai thác có tính phức tạp rất cao và đòi hỏi trình độ quản lý tốt. Trên thực tế, rất nhiều quốc gia giàu tài nguyên nhưng lại rơi vào “Lời nguyền tài nguyên” do quản lý không tốt. Do tính phức tạp cao, trên thế giới có rất nhiều sáng kiến hỗ trợ quản lý ngành công nghiệp này, trong đó, Sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) là phổ biến nhất. Nguyên tắc của EITI là công khai một số thông tin cơ bản trong chuỗi giá trị của công nghiệp khai thác (gồm cấp phép, dữ liệu sản xuất, DNNN, nguồn thu, quản lý nguồn thu và các tác động xã hội) trong Báo cáo EITI với sự giám sát của Chính phủ, DN và xã hội dân sự. Tuy nhiên, sau gần 10 năm tiếp cận EITI, Việt Nam vẫn chưa có kết luận về việc có hay không tham gia sáng kiến này.

“Chúng tôi đã rà soát rất kỹ yêu cầu của EITI và danh mục các thông tin bí mật trong lĩnh vực khoáng và có thể khẳng định EITI không ảnh hưởng đến bí mật quốc gia. Bên cạnh đó, thể chế chính sách của Việt Nam về chế độ báo cáo, thống kê, quản lý ngân sách là khá thuận lợi cho việc thực thi EITI”, bà Trần Thanh Thủy cho biết.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát trong 10 năm qua của VCCI cho thấy các DN khai khoáng chịu chi phí không chính thức cao (lên đến 73%). Vấn đề không minh bạch cũng đặt áp lực không chỉ cho DN mà cho chính cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho môi trường tham nhũng, lợi thế “quen biết” lấn át hơn lợi thế công nghệ, vốn. Ông Tuấn cho biết, VCCI đã rà soát khuôn khổ pháp luật của Việt Nam khi tham gia EITI cho thấy không phát sinh gánh nặng lớn đối với cơ quan lập pháp, hành pháp. Ông Tuấn khẳng định, gia nhập EITI là một xu thế mà chính DN cũng mong muốn và mang lại tích cực cho cả ngành khai khoáng cũng như DN. Hơn nữa, minh bạch hóa giúp tăng thu cho NSNN thay vì tăng thuế.  

Hoài Anh (hải quan online)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)