Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Ngành Dệt may: Đầu tư cho lực lượng sản xuất mới

Thứ ba, 16-02-2016 | 13:52:00 PM GMT+7 Bản in
(HNM) - Với hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, việc phát triển và quản trị nguồn nhân lực cho ngành Dệt may (DM) đang trở nên cấp thiết.
Thiếu lao động kỹ thuật được đào tạo bài bản
DM là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch đạt 27,5 tỷ USD trong năm 2015. Các thị trường lớn của DM Việt Nam là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong 3 năm trở lại đây, số dự án đầu tư vào ngành DM đã tăng rất nhiều so với 10 năm trước. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex), với sự có mặt của các FTA, quy mô xuất khẩu của ngành DM sẽ tăng mạnh, từ đó tạo thêm việc làm và cải thiện cuộc sống cho người lao động Việt Nam. DM đứng trước cơ hội đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành

Số liệu thống kê cho thấy, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu DM tăng thêm sẽ tạo ra 80.000 việc làm trực tiếp. Để đáp ứng mục tiêu phát triển, dự kiến ngành DM cần khoảng 3 triệu lao động vào năm 2020. Như vậy, bình quân mỗi năm ngành DM cần thêm khoảng 100.000 lao động, chưa kể phải bổ sung số lao động đến tuổi nghỉ hưu và rời bỏ ngành. Thế nhưng, ngành DM đang đứng trước tình trạng thiếu lao động kỹ thuật được đào tạo bài bản. Phó Tổng Giám đốc Vinatex Phạm Duy Hạnh cho biết, trong tổng số 2,5 triệu lao động, nhiều loại nhân lực hiện ngành DM rất cần lại chưa có cơ sở đào tạo. Đơn cử, nhóm ngành sợi, dệt, nhuộm cần khoảng 300 - 400 kỹ sư/năm, nhưng giai đoạn vừa qua, các trường đại học chỉ cung cấp được khoảng 30 sinh viên/năm, bằng 10% nhu cầu. Nếu tính cả chuỗi cung ứng thì nhân lực của ngành DM thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong ngành phải tự đào tạo nhân lực tại cơ sở, theo mô hình người đi trước dạy người mới vào, hoặc mời các giảng viên của các trường kỹ thuật về giảng dạy ngắn hạn tại cơ sở.

Tăng cường nguồn nhân lực trung và cao cấp

Nhằm giúp các doanh nghiệp DM duy trì lợi thế cạnh tranh trong sản xuất hàng chất lượng cao, Trường Đại học Công nghiệp DM Hà Nội đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho khâu thiết kế thời trang, làm mẫu theo số đo nhân trắc từ mẫu sáng tác, phát triển mẫu, quản trị chuỗi cung ứng, xuất khẩu và thị trường. Bên cạnh đó, trường đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, như sợi, dệt, nhuộm; gắn nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp như tư vấn chuyển giao công nghệ, sản xuất tinh gọn LEAN, tư vấn nghiên cứu thiết kế mẫu…

Thời gian qua, Vinatex đã chủ động thành lập 7 viện, trường trực thuộc, phục vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tập đoàn và ngành DM. Đây là bộ phận bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật, quản lý cho các đơn vị, dự án đầu tư của tập đoàn và ngành. Bên cạnh việc đào tạo dài hạn qua các trường nói trên, Vinatex còn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, nâng cao trình độ cho CBCNV qua các trung tâm đào tạo; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trung và cao cấp theo các chuyên ngành quản lý, công nghệ, kỹ năng tiếp thị, khả năng giao dịch, đặc biệt là phát triển đội ngũ thiết kế thời trang. Theo Tập đoàn DM Việt Nam, 5 năm tới là giai đoạn bản lề để tập đoàn đầu tư lực lượng sản xuất mới.
Thanh Hiền (Báo hà nội mới)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)