Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo ông Nam tham khảo, trước đây Khoản 3 Điều 50 Mục 4 Chương III Bộ luật Lao động 2012 có quy định: "Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu".
Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động năm 2019, quy định này đã bị loại bỏ.
Ông Nam hỏi, việc công ty quy định muốn nghỉ việc phải báo trước ít nhất 60 ngày là đúng hay sai?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Trước đây, tại Khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 (hiệu lực ngày 1/5/2013, hết hiệu lực ngày 1/1/2021) quy định: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
- Ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Hiện nay, tại Khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 (hiệu lực ngày 1/1/2021) quy định: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, đ và g Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;
Như vậy, quy định về thời hạn báo trước khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 2019 đều là “ít nhất 45 ngày”.
Nếu hợp đồng lao động không xác định thời hạn do công ty soạn thảo, ký với người lao động, có nội dung khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 60 ngày thì phần nội dung này vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 và Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Lao động 2019, phần nội dung hợp đồng vi phạm pháp luật thì vô hiệu phần đó, nếu không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau: Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật; hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
Ông Trần Nam cho rằng Bộ luật Lao động 2019 đã loại bỏ (không còn) quy định về hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng lao động vô hiệu, nhận xét của ông Nam là không đúng thực tế nội dung của Bộ luật này. Đề nghị ông Nam cập nhật, tham khảo quy định về hợp đồng lao động vô hiệu tại Mục 4 (các Điều 49, 50, 51) của Bộ luật Lao động 2019 để rõ.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo báo Chính phủ
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Muon-nghi-viec-phai-bao-truoc-bao-nhieu-ngay/429560.vgp