Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:
Khoản 1, 2, Điều 155 BLLĐ 2012 quy định: Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương...
Như vậy, khi mang thai đến tháng thứ 7, bạn chỉ được nghỉ 60p/ngày hoặc được chuyển làm công việc nhẹ hơn nếu công việc đang làm là công việc nặng nhọc.
Điều 32 Luật BHXH 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Nếu bạn đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trươc khi sinh con thì sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản 6 tháng hưởng 100% tiền lương đóng BHXH, 2 tháng tiền trợ cấp một lần (bằng mức lương cơ sở tại thời điểm sinh con) và nghỉ dưỡng sức sau sinh nếu đủ điều kiện theo quy định tại điều 41 Luật BHXH 2014.