Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Làm giám sát đóng tàu thủy có cần chứng chỉ hành nghề?

Thứ năm, 13-08-2020 | 18:38:00 PM GMT+7 Bản in
Hiện nay việc giám sát đóng mới tàu biển được các chuyên gia giám sát, thường là kỹ sư ngành Thiết kế tàu thủy và chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người thực hiện giám sát tư vấn đóng mới tàu thủy.

Ông Quản Trọng Huy (Hải Phòng) tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thiết kế tàu thủy (tên thường gọi ngành vỏ tàu) Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, hiện đã công tác trong lĩnh vực giám sát đóng mới, sửa chữa tàu thủy hơn 8 năm.

Thời gian gần đây, một số bên liên quan yêu cầu ông Huy phải có chứng chỉ hành nghề giám sát để tiếp tục thực hiện công việc hiện tại. Tuy nhiên, khi ông liên hệ với Sở Xây dựng ở địa phương thì được trả lời, ngành học của ông không thể làm thủ tục cấp được loại chứng chỉ đó do Sở Xây dựng không quản lý.

Theo tìm hiểu của ông Huy, hiện Nhà nước cũng chưa có các quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Ông Huy hỏi, khi ông tham gia các dự án đóng mới, sửa chữa tàu thủy (hàng hải, nội địa), ông có cần phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát không, hay chỉ cần bằng cấp chuyên môn là đủ điều kiện? Nếu cần phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thì áp dụng quy định nào, có thể làm ở đâu và thủ tục như thế nào?

Về vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Hiện nay việc giám sát đóng mới tàu biển được các chuyên gia giám sát – thường là kỹ sư ngành Thiết kế tàu thủy. Việc này đã được thực hiện nhiều năm từ khi Việt Nam phát triển ngành đóng tàu biển.

Cho đến nay Nhà nước chưa có Nghị định, Thông tư quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người thực hiện giám sát tư vấn đóng mới tàu thủy. Do vậy các cơ sở đóng mới thường sử dụng các kỹ sư tốt nghiệp ngành Thiết kế tàu thủy để thực hiện giám sát đóng mới.

Một số ngành có yêu cầu giám sát viên phải có chứng chỉ phù hợp như ngành xây dựng, còn ngành đóng tàu chưa có các quy định tương tự.

Ngoài ra sản phẩm tàu biển cuối cùng được phép xuất xưởng và đi vào hoạt động phải qua giám sát và phê duyệt của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và quốc tế như SOLAS. Việc giám sát đóng mới là do nhà máy hoặc chủ tàu thuê trong giai đoạn đóng tàu nhằm tăng cường chất lượng kỹ thuật của con tàu mà không có giá trị pháp lý nên việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát là không cần thiết.

Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Lam-giam-sat-dong-tau-thuy-co-can-chung-chi-hanh-nghe/404187.vgp
Ý kiến bạn đọc (0)