Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Kiến nghị xem xét lại kết luận của Đoàn Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về vi phạm hành chính của Công ty TNHH Điện Máy AQUA Việt Nam trong sử dụng các phần mềm bản quyền

Thứ sáu, 13-01-2017 | 11:07:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Kiến nghị xem xét lại kết luận của Đoàn Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về vi phạm hành chính của Công ty TNHH Điện Máy AQUA Việt Nam trong sử dụng các phần mềm bản quyền

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty TNHH Điện Máy AQUA Việt Nam

Công văn: , Ngày: 13/01/2017

Nội dung kiến nghị:

Công ty TNHH Điện Máy AQUA Việt Nam (Công ty AQUA Việt Nam) là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, giấy phép đầu tư được cấp năm 1995. Sản phẩn chính của Công ty là các mặt hàng điện máy gia dụng và Công ty đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 4/1997 đến nay.

Ngày 17/11/2016, Công ty AQUA Việt Nam đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ để trình bày về vụ việc của Công ty. Với mong muốn làm rõ thêm phần nào nhận thức của mình, Công ty AQUA Việt Nam gửi tới Thủ tướng Chính phủ một số ý kiến tiếp theo để được Thủ tướng chỉ đạo giải đáp những thắc mắc liên quan đến tác quyền phần mềm như sau:

1 – Về vấn đề ngăn chặn hoạt động mua bán phần mềm bất hợp pháp trên thị trường:

Tại Việt Nam, các phần mềm bất hợp pháp còn chiếm trên 80% (theo số liệu cung cấp của thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Thực trạng này có nguồn gốc từ phần mềm bẻ khóa bán tràn lan trên thị trường băng đĩa lậu hoặc internet. Công ty AQUA Việt Nam đặt câu hỏi các cơ quan Nhà nước đã có biện pháp gì để ngăn chặn, hoặc chỉ thông qua tin báo để xử lý cũng như chỉ tiến hành kiểm tra các công ty lớn theo “đơn đặt hàng” của các tổ chức nước ngoài. Trường hợp của Công ty AQUA Việt Nam, với Quyết định số 194/QĐ-TTr ngày 01/9/2016, Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tác quyền phần mềm tại Công ty AQUA Việt Nam theo đề nghị của Tổ chức Liên minh Phần mềm BSA.

Công ty AQUA Việt Nam đặt câu hỏi về hoạt động của tổ chức BSA tại Việt Nam có hay không hợp pháp, có được ủy quyền của tất cả các công ty sản xuất phần mềm thành viên và sự ủy quyền như vậy có được chứng thực hợp pháp tại Việt Nam chưa. Công ty AQUA Việt Nam phân vân tại sao cơ quan Nhà nước Việt Nam lại thực hiện công việc quản lý nhà nước theo yêu cầu của tổ chức BSA. Và như vậy, vai trò của tổ chức BSA ở Việt Nam đã hỗ trợ như thế nào cho sự phát triển của Việt Nam, đã góp phần trong hoạt động ngăn chặn phần mềm bất hợp pháp ở Việt Nam như thế nào hoặc chỉ đứng sau yêu cầu các cơ quan chính phủ tìm các công ty vi phạm để kiểm tra rồi từ đó yêu sách, đòi bồi thường với số tiền khổng lồ.

Trong quá trình Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm việc tại Công ty AQUA Việt Nam, điều hết sức nguy hiểm là toàn bộ thông tin của việc thanh tra luôn được Tổ chức BSA nắm rõ ngay từ giai đoạn đầu, trước thanh tra cho đến giai đoạn tiến hành thanh tra và cả giai đoạn sau thanh tra, thậm chí tổ chức này biết tất cả thông tin trong công văn của Công ty AQUA Việt Nam gửi tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Du lịch và Thể thao để giải trình và đề nghị xem xét đánh giá lại vụ việc. Câu hỏi đặt ra là ai đã cung cấp tường tận thông tin cho BSA đến từng chi tiết như vậy. Và theo từng giai đoạn, BSA đều liên tục gọi điện, email, fax, gửi thư trực tiếp cho Công ty AQUA Việt Nam để hối thúc, gây sức ép, thậm chí đe dọa đưa vụ việc ra báo chí để bêu xấu nhằm buộc Công ty AQUA phải chấp nhận chuyển tiền bồi thường cho BSA số tiền hàng chục tỉ đồng sang Hoa Kỳ trong khi sự việc chưa rõ ràng. Công ty AQUA Việt Nam bày tỏ sự quan ngại trước hành vi này của BSA và đại diện pháp lý của BSA tại Việt Nam là Văn phòng luật sư A Hòa, theo Công ty AQUA Việt Nam đây là hành vi hết sức nguy hiểm, không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Công ty AQUA Việt Nam khẳng định, tất cả các phần mềm của Công ty đều được mua bản quyền với gần 3000 giấy phép bản quyền phần mềm. Trong thời gian thanh tra, đoàn thanh tra có phát hiện 07 giấy phép phần mềm của hãng AutoCAD và PTC chưa xác định được tính hợp lệ. Đây là tranh chấp trực tiếp giữa người sử dụng phần mềm là Công ty AQUA và các công ty sản xuất phần mềm, cụ thể là với các hãng phần mềm AutoCAD và PTC và không liên quan đến tổ chức BSA. Tuy nhiên, chính BSA và luật sư đại diện cho BSA đòi bồi thường, đe dọa, gây sức ép… với Công ty AQUA, đòi chuyển tiền cho BSA tại Hoa Kỳ, cho thấy hành vi làm tiền hết sức nguy hiểm của BSA.

2 – Về trách nhiệm của các công ty sản xuất phần mềm trong thực thi vấn đề tác quyền phần mềm

Công ty AQUA Việt Nam là nhà sản xuất các sản phẩm hữu hình (sản xuất máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa…), là những sản phẩm khi bán, nhà sản xuất luôn phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn khách hàng cài đặt, sử dụng và áp dụng các chính sách bảo hành rõ ràng. Đối với các công ty sản xuất phần mềm, phải hướng dẫn khách hàng cài đặt cho đúng, cung cấp các công cụ, thông tin để khách hàng biết việc cài đặt phần mềm hợp pháp (cung cấp phiên bản, số seri, số hiệu sản phẩm, cách thức kiểm tra phần mềm cài đặt là hợp lệ hay chưa…). Tiếp theo đó trong quá trình sử dụng nếu phần mềm bị lỗi, các hãng phần mềm có trách nhiệm kiểm tra, sửa lỗi, cài đặt lại cho khách hàng.

Với tư cách là khách hàng của các nhà sản xuất phần mềm, Công ty AQUA Việt Nam cho rằng vẫn còn một số công ty phần mềm chưa thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm của họ. Cụ thể là Công ty phần mềm PTC bán hàng thông qua đại lý của họ tại Việt Nam khi bán phần mềm cho Công ty AQUA Việt Nam không cụng cấp bất kỳ thông tin nào về số seri, mã số sản phẩm hay cách thức kiểm tra phần mềm hợp lệ, PTC chỉ bán hàng, thu tiền, đến Công ty AQUA Việt Nam cài đặt và thông báo phiên bản phần mềm đã cài đặt. Công ty AQUA Việt Nam không biết số seri nào là hợp lệ và không có công cụ kiểm tra tính hợp lệ của phần mềm. Do vậy, khi nhân viên Công ty AQUA Việt Nam cài đặt các tùy biến dẫn đến số seri không còn hợp lệ Công ty AQUA Việt Nam hoàn toàn không biết đến sự thay đổi này để có các biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Như vậy, công ty sản xuất phần mềm thiếu trách nhiệm khi không cung cấp và hỗ trợ đầy đủ cho khách hàng trong toàn bộ quá trình kiểm soát cài đặt phần mềm hợp pháp. Liệu các công ty sản xuất phần mềm có hay không dung túng cho các hoạt động mua bán phần mềm của họ một cách bất hợp pháp trên thị trường, ngầm cho tự do “bẻ khóa” để sử dụng và từ đó có cơ hội đòi bồi thường thiệt hại và khai vống giá trị của sản phẩm, với mức bồi thường tổn thất gấp hàng chục lần giá trị thực.

Theo Công ty AQUA Việt Nam, nếu bị quy vào lỗi “cài đặt phần mềm bất hợp pháp” thì Công ty đề nghị làm rõ vai trò của các công ty sản xuất phần mềm do đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, cung cấp thiếu thông tin và các công cụ cho khách hàng, thậm chí cố tình che dấu thông tin để sau đó đòi bồi thường với chính khách hàng của họ.

Công ty AQUA Việt Nam kiến nghị Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế... kiểm tra hoạt động mua bán phần mềm trên thị trường và việc đăng ký nhập khẩu các phần mềm, việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với phần mềm nhập khẩu để kết luận hoạt động này đã tuân thủ đúng và đủ các thủ tục theo pháp luật quy định hay chưa, mặt hàng phần mềm được bán liệu đã được đảm bảo lành mạnh về giá để tránh gian lận thuế, gian lận thương mại (khai giá trị phần mềm nhập khẩu thấp để trốn thuế nhưng khi đòi bồi thường thì tăng giá trị tiền đòi lên gấp nhiều lần).

3 – Thắc mắc về vấn đề sai phạm của cá nhân bị quy ghép cho doanh nghiệp

Trong quá trình thanh tra tại Công ty AQUA Việt Nam, phát hiện tại các máy tính có các phần mềm cài đặt không hợp pháp, các cá nhân sử đụng máy tính này đã tường trình và thừa nhận tự ý cài đặt, chỉnh sửa lại phần mềm trước đó Công ty đã cài đặt hợp lệ mà hoàn toàn không được sự đồng ý, chấp thuận của Công ty. Về phía Công ty AQUA Việt Nam, Công ty đã mua bản quyền đầy đủ, có hợp đồng mua bán phần mềm và ban hành quy định nội bộ về sử dụng máy tính và phần mềm, nghiêm cấm các hành vi cài đặt phần mềm bất hợp pháp. Tuy nhiên, ý thức của người lao động là quá kém mà theo Công ty một phần do thói quen và tình trạng sử dụng tràn lan các phần mềm bất hợp pháp ở Việt Nam. Vấn đề nghiêm trọng với Công ty là sai phạm của cá nhân người lao động đã bị quy ghép cho doanh nghiệp. Công ty hoàn toàn không cố ý cũng như không vô ý vi phạm, nhưng là chủ thể sử dụng người lao động, Công ty vẫn bị xem là vi phạm hành chính. Công ty AQUA kiến nghị giải đáp việc quy ghép lỗi vi phạm như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam không?

4 – Thắc mắc về vấn đề phần mềm phiên bản cũ đã bị vô hiệu hóa, không sử dụng nhưng chưa xóa khỏi máy tính cũng bị coi là vi phạm

Trong số 7 phần mềm bi cho là vi phạm, có 2 phần mềm PTC Pro/Engineer Wildfire 4.0 (gọi tắt là Wildfire) là phần mềm phiên bản cũ của bộ PTC Creo Parametric 2.0 (gọi tắt là Creo). Trên hai máy tính cài phiên bản Wildfire cũ đều đã có cài đặt phiên bản mới hơn là Creo hợp lệ. Khi máy tính đã cài phiên bản mới hơn, phiên bản cũ hoàn toàn bị vô hiệu hóa, không thể sử dụng, không thể mở lên.

Việc một phần mềm không hoạt động, không thể sử dụng và mở lên được và trên máy tính đó đã có cài đặt phần mềm phiên bản mới hơn hợp lệ vẫn bị quy là “vi phạm tác quyền” là không hợp lý. Công ty AQUA Việt Nam hoàn toàn không đồng ý với kết luận của đoàn thanh tra nhưng ý kiến ngày của Công ty đã không được đoàn thanh tra công nhận.

5 – Vấn đề tự ý cài đặt lại phần mềm Network đã mua bản quyền của nhân viên

Trong 7 phần mềm bị cho là vi phạm, có 3 phiên bản phần mềm PTC Creo là phiên bản Network License đã được Công ty AQUA Việt Nam mua bản quyền (phiên bản Network cho phép người dùng có thể cài đặt ở nhiều máy cuối, tuy nhiên ở thời điểm đầu cài đặt, chỉ có số lượng máy cuối bằng với số lượng khai báo khi mua bản quyền mới có thể kết nối với máy chủ để hoạt động). Tại 3 máy tính cài phiên bản Creo vi phạm này, trước đây đều đã cài đặt phiên bản Creo hợp lệ, tuy nhiên do người dùng không hiểu quy chế hoạt động của phiên bản Network License, đôi khi do người dùng không thể chạy được phần mềm nên đã tự ý chỉnh sửa lại mà không thông qua Công ty, không được sự chấp thuận của Công ty. Sau khi bị chỉnh sửa, 3 bộ phần mềm này vẫn thể hiện đúng phiên bản đã mua bản quyền với PTC nên Công ty không phát hiện được (do PTC không cung cấp số Seri bản quyền cho Công ty như nêu trên). Về thực chất, 3 máy tính này đã mua bản quyền sử dụng bộ phần mềm Creo cài trên đó, chứ không phải không có bản quyền. Tuy nhiên giải trình của Công ty với đoàn thanh tra cũng không được chấp nhận.

6 – Thắc mắc về việc sử dụng phần mềm phiên bản dùng thử (trial version) có được coi là hợp pháp

Trong số 7 phần mềm được Đoàn thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho là vi phạm, có 1 phiên bản AutoCAD là phiên bản dùng thử (trial version) đã hết hạn, không sử dụng được. Nhưng theo đoàn thanh tra, phần mềm này vẫn bị quy là “phần mềm cài đặt bất hợp pháp”. Theo Công ty AQUA Việt Nam, đây là điều phi lý vì phiên bản dùng thử được hãng sản xuất phần mềm cho phép người dùng cài đặt và sử dụng thử miễn phí, chỉ dùng trong thời gian ngắn và không thể dùng được sau đó. Như vậy không thể xem là cài đặt bất hợp pháp và vi phạm tác quyền...

Trường hợp của Công ty AQUA Việt Nam, Công ty nhận thấy sai sót của Công ty dù là nhỏ nhất vẫn bị Đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho là vi phạm, ngay với những vấn đề chưa thể thuyết phục như Công ty nêu trên. Bên cạnh đó, là có những dấu hiệu gây sức ép từ Hội Luật sư, Tổ chức BSA... đang đưa ra yêu cầu, đe dọa, đòi hỏi bồi thường với giá trị hàng chục tỉ đồng, làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh sản xuất của Công ty. Công ty AQUA Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại sự việc giúp cho Công ty yên tâm sản xuất, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.


Đơn vị phản hồi: Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)