Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Tên kiến nghị: Kiến nghị về một số bất cập trong việc thi hành các quy định của Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT ngày 15/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô và Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô
Tình trạng: Chưa phản hồi
Đơn vị kiến nghị: Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Cát Tường
Công văn: , Ngày: 13/01/2017
Nội dung kiến nghị:
Theo ý kiến các doanh nghiệp, các quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT ngày 15/12/2014 và các quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải đến nay đã bộc lộ những bất cập vì thiếu các căn cứ khoa học, không phù hợp với thực tế.
Trong quá trình triển khai sử dụng thiết bị hợp chuẩn GPS, Công ty Cát Tường và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô nhận thấy thiết bị hợp chuẩn GPS hiện nay đang ứng dụng công nghệ cũ, không phát huy hiệu quả quản lý nhà nước và đặc biệt đang gây ra nhiều lãng phí, phiền hà cho doanh nghiệp.
Công ty Cát Tường nêu ra một số hạn chế trong sử dụng thiết bị giám sát hành trình như sau:
- Thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn Việt Nam của xe ô tô ứng dụng công nghệ định vị GPS. Đây là công nghệ do Bộ Quốc phòng Mỹ thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành và cung cấp miễn phí. Tín hiệu GPS có sai số từ 10m lên tới 50m, bị ảnh hưởng khi mất sóng vệ tinh GPS hoặc thời tiết mưa hay sương mù cũng có thể là nguyên nhân cho khoảng 30%-40% xe ô tô đang chạy không có sóng. Việc nghẽn mạch và mất sóng GSM cũng gây ra độ trễ kết nối lớn giữa thiết bị giám sát hành trình và máy chủ dịch vụ.
- Quy định hợp chuẩn bắt buộc chỉ dùng một loại thiết bị nhất định tạo ra độc quyền cho một số đơn vị cung cấp các trang thiết bị lạc hậu, không đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
- Việt Nam không sản xuất bất kỳ thành phần nào của hệ thống giám sát hành trình. Phân cứng các thiết bị giám sát hành trình tại Việt Nam hiện nay có bộ xử lý dữ liệu và chip định vị phần lớn được sản xuất đại trà tại Trung Quốc và Đài Loan, tốc độ thấp do sử dụng nền tảng công nghệ cũ với mức sai số tăng thêm nhiều lần, nên khi đưa thiết bị vào sử dụng, sai số kết quả định vị là rất lớn. Đáng nói hơn là, việc sử dụng thiết bị giám sát sản xuất tại nước ngoài như vậy không làm chủ được sai số trong thực thi kiểm soát của Nhà nước và không có cơ sở định chuẩn của chính Việt Nam.
Các nguyên nhân trên dẫn đến thực tế có sự sai số rất lớn trong định vị và giám sát hành trình xe ô tô. Các báo cáo dữ liệu có tính pháp lý nhưng lại thiếu đi độ tin cậy, thiếu chính xác để làm căn cứ xử lý theo pháp luật, các số liệu thu nhận bị sai lệch nhiều nên chỉ có ý nghĩa là thông tin tham khảo.
Thực tế là, các quy định về thiết bị định vị GPS tại Việt Nam hiện nay không thể hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước do công nghệ ứng dụng đã lỗi thời không còn hiệu quả, chỉ có tính bắt buộc thực hiện để đối phó nhằm được kiểm định và cấp phù hiệu hoạt động xe ô tô. Dữ liệu vị trí xe ghi nhận sai, tốc độ lưu thông xe không đúng không thể làm bằng chứng trong xử phạt hoặc trong tố tụng.
Mặc dù vậy, các chi phí lắp đặt, vận hành hàng tháng của một thiết bị định vị GPS đã tiêu tốn rất nhiều tiền của doanh nghiệp nên gây ra lãng phí lớn.
Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT và Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định đầu đọc thẻ, thẻ nhận dạng lái xe phải sử dụng công nghệ RFID để quản lý lái xe. Để tuân thủ quy định này về nhận dạng lái xe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thiết kế thêm thẻ riêng cho các lái xe có cài chíp, do hiện tại bằng lái xe ô tô được làm bằng chất liệu nhựa không cài chíp RFID nên không thể tích hợp sử dụng cho nhận dạng... Tuy nhiên, sẽ có kẽ hở pháp luật trong xử phạt vi phạm nếu sử dụng dữ liệu từ thẻ nhận dạng lái xe của doanh nghiệp tự in để xác định vi phạm. Theo Công ty Cát Tường, việc căn cứ trên thẻ nhận dạng lái xe của doanh nghiệp tự in như vậy trong xử phạt là chưa chặt chẽ về pháp lý, Quy định thẻ nhận dạng lái xe và đầu đọc thẻ chủ yếu vẫn là việc quản lý nội bộ của doanh nghiệp nên không thực sự tác dụng đối với quản lý nhà nước.
Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn Euro2 về kiểm soát nồng độ khí thải, tuy nhiên nhiều doanh nghiệpn dù rất cần nhưng không ứng dụng và nâng cấp công nghệ được do quy định hợp chuẩn khó khăn, Các doanh nghiệp mong muốn có chính sách thông thoáng hơn quy định về hợp chuẩn để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Hiện nay công nghệ thay đổi liên tục, nếu cứng nhắc các quy định về hợp chuẩn sẽ dẫn đến sự trì trệ của quản lý nhà nước. Vì vậy, thay vì bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ khuôn mẫu cứng nhắc về hợp chuẩn, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào ứng dụng trong quản lý, góp phần giảm bớt ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trong thực tế, doanh nghiệp cần chủ động khai thác các loại hình quản lý theo tiêu chuẩn mới, cần tiếp cận với công nghệ và quy trình điều độ xe tiên tiến, ví dụ như công nghệ ứng dụng camera cho phép trung tâm điều độ quan sát tình trạng giao thông trên đường để điều xe, công nghệ ODB2 giám sát xe chính xác về vận tốc và trạng thái xe đang chạy... hoặc các chương trình doanh nghiệp tự quản lý phương tiện, quản lý tài xế đồng bộ với các chế tài giảm thiểu tai nạn nhưng không áp dụng được vì vướng các quy định về hợp chuẩn.
Do vậy, Công ty Cát Tường kiến nghị:
- Đề nghị sửa đổi hoặc hủy bỏ quy định tại Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT ngày 15/12/2014 và Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô cho phù hợp với thực tế hiện nay.
- Cho phép doanh nghiệp tùy theo nhu cầu, được lựa chọn thiết bị hay công nghệ với điều kiện đáp ứng đủ các tiểu chuẩn thiết bị mà không cần phải hợp chuẩn. Chẳng hạn như dựa trên sự đa dạng các dịch vụ định vị, doanh nghiệp có thể khai thác những ứng dụng sẵn trên điện thoại smartphone, bảng báo điểm, camera giám sát… vào công tác quản lý.
- Có thể nghiên cứu thêm việc lấy giữ liệu tốc độ từ ECU của xe ô tô để phục vụ quản lý. Tất cả các xe ô tô đều có hệ thống xử lý trung tâm ECU, thu thập các thông tin về tình trạng vận hành của xe, các thông tin này có thể xuất ra bằng giao thức kết nối ODB2. Thông tin tốc độ xe ô tô được ECU ghi nhận là thông tin chính xác, là bằng chứng tuyệt đối về pháp lý, hoàn toàn không có sai sót như dữ liệu tốc độ thu thập từ thiết bị giám sát hành trình GPS.
- Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý kiểm soát nồng độ khí thải. Việc giám sát hành trình xe, định vị xe là công việc của doanh nghiệp và thực hiện theo nhu cầu của doanh nghiệp quản lý xe.
- Đề nghị xây dựng bộ tiêu chuẩn để các hãng xe phải thực hiện nhằm trích xuất dữ liệu trong ECU của xe khi cần thiết (tương tự tiêu chuẩn JT808 của Trung Quốc hay NHTSA và EPA của Mỹ)
Với tinh thần “Chính phủ kiến tạo”, Công ty Cát Tường mong muốn Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách, bãi bỏ các quy định không phù hợp để cởi trói cho doanh nghiệp chủ động ứng dụng các công nghệ mới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh
Đơn vị phản hồi: Bộ Giao thông Vận tải
Công văn: , Ngày:
Nội dung trả lời: