Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Tên kiến nghị: Kiến nghị sửa đổi một số điều trong Nghị định 19/2016/ NĐ-CP và Thông tư số 03/2016/TT-BCT về kinh doanh khí.
Tình trạng: Chưa phản hồi
Đơn vị kiến nghị: CTy CP Xây lắp Cao Bằng
Công văn: , Ngày: 14/10/2016
Nội dung kiến nghị:
Để các điều kiện kinh doanh được ban hành hợp lý, phù hợp với Luật đầu tư, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi, các doanh nghiệp kinh doanh khí có một số ý kiến về Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 và Thông tư 03/2016/TT-BCT ngày 10 tháng 5 năm 2016 như sau:
1) Về Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG:
1.1 Quy định:
Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Thương nhân phân phối khí là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3 (ba trăm mét khối) đối với kinh doanh LPG chai; 100 m3 (một trăm mét khối) đối với kinh doanh LPG qua đường ống; 3.000 m3 (ba nghìn mét khối) đối với LNG; 10.000 Sm3 (mười nghìn mét khối tiêu chuẩn) đối với CNG thuộc sở hữu của thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu một (01) năm của thương nhân kinh doanh khí.
Sau hai (02) năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG, phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân;
1.2 Vấn đề:
Quy định điều kiện quy mô kinh doanh quá lớn, với quá nhiều điều kiện, như thương nhân phân phối LPG phải “có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3”; có số lượng chai LPG “thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 L”, “phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân”; có “cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải”; “có tối thiểu 20 (hai mươi) tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh LPG”;…
Các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Quy định trên đã vi phạm quy định tại khoản 2 về “Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”, khoản 4 về “Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”, Điều 6 về “Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước”, Luật Cạnh tranh năm 2004.
Ngoài ra, quy định trên còn có nguy cơ gián tiếp gây ra vi phạm quy định tại Điều 11 về “Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường”, Luật Cạnh tranh năm 2004, về “hạn chế cạnh tranh” và “cạnh tranh không lành mạnh”, do tạo ra một số ít các doanh nghiệp “thống lĩnh thị trường”, thậm chí dẫn đến “vị trí độc quyền” và “có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể” tại một địa bàn, nhất là ở các tỉnh miền núi, hải đảo khó khăn.
Như vậy, quy định về các điều kiện kinh doanh đối với thương nhân phân phối PLG nêu trên đã vi phạm Điều 32, Hiến pháp năm 2013; Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014; Điều 7, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 6, Luật Cạnh tranh năm 2004.
- Theo điều tra của Chúng tôi tại tỉnh Cao Bằng: Dân số 517.000, người. Với tập tục người Cao Bằng mỗi hộ gia đình bình quân có 6 người (2 ông bà, 2 bố mẹ và 2 con). Như vậy số hộ gia đình hiện có: 517.000/6 = 86.167 hộ gia đình. Theo tình hình thực tế hiện nay hầu hết các hộ gia đình tại các xã, các bản dùng củi, rơm, rạ ... làm nhiên liệu đốt chiếm 55-60% dân số trên toàn tỉnh, số còn lại là dùng gas. Vậy tổng số hộ dân sử dụng gas là: 86.167 * 0.45 (45%) = 38.775 hộ dùng gas (tương đương với số vỏ tối đa cho toàn dân sử dụng là: 38.775 chai - mỗi nhà giữ 01 vỏ). Tuy nhiên trên thị trường tỉnh Cao Bằng hiện nay theo ước tính của chúng tôi: Petrolimex cung cấp 30%, Petronas cung cấp 30% (Bởi 2 hãng gas này có mặt tại thị trường từ rất lâu đời), Vmgas 5%, PetroVN 5%, ngoài ra còn các hãng khác như: Hồng Việt gas, Petrolidex, Sell gas, Hồng Hà gas ... cung cấp 5% thị trường toàn tỉnh. Số còn lại người dân sử dụng gas địa phương là 25%.
Nếu như nghị định cứ cứng nhắc như vậy chúng tôi phải đầu tư thêm 50.000 - 60.000 vỏ bình không có nhu cầu sử dụng, cũng không thể vận chuyển gas lỏng lên Cao Bằng chiết nạp xong lại vận chuyển về dưới xuôi bán được. Việc đầu tư thêm vỏ bình gas không những phải vay mượn Ngân hàng mà còn không có chỗ để cất vỏ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
1.3 Kiến nghị:
Cần xem xét sửa đổi Nghị định trên theo hướng bỏ hoặc giảm điều kiện về quy mô kinh doanh như: Có dung tích bồn chứa tối thiểu, có số lượng đại lý tối thiểu và đặc biệt là số lượng chai gas tối thiểu thuộc sở hữu của thương nhân. Việc này để thương nhân quyết định liên quan đến năng lực và hiệu quả kinh doanh mà không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn và sức khỏe cộng đồng.
2) Về điều kiện đối với đại lý kinh doanh gas:
2.1 Quy định:
Khoản 1, Điều 23 về “Quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định một trong những quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG là:
“1. Lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 01 (một) tổng đại lý hoặc 03 (ba) thương nhân kinh doanh LPG đầu mối đáp ứng đủ Điều kiện quy định tại Nghị định này.”
2.2 Vấn đề:
Quy định về việc đại lý kinh doanh LPG chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý là phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 175 về “Nghĩa vụ của bên đại lý”, Luật Thương mại năm 2005: “7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.” Tuy nhiên, việc hạn chế này là không cần thiết, trái với quy định tại khoản 1 và 4, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014.
Tuy nhiên, quy định về việc đại lý kinh doanh LPG chỉ được ký hợp đồng với 3 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối là đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của đại lý, trái với quy định tại Điều 169 về “Các hình thức đại lý” và Điều 174 về “Quyền của bên đại lý”, Luật Thương mại năm 2005; quy định tại khoản 2, Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014; quy định tại khoản 1 và 4, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014.
2.3 Kiến nghị:
Bỏ quy định về điều kiện kinh doanh chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý hoặc 3 doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối đối với đại lý kinh doanh gas (LPG)
3) Về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp khí dầu mỏ hóa lỏng – PLG vào chai:
3.1 Quy định:
Khoản 2, Điều 9 về “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai”, Thông tư số 03/2016/TT-BCT ngày 10-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương “Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22-3-2016 của Chính phủ về kinh doanh khí”, quy định: Một trong các điều kiện để được cấp “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai” là phải có “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG”.
Tuy nhiên, muốn có “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG”, thì lại phải có “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai” (nếu không có “hợp đồng thuê nạp LPG vào chai”) theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2006/NĐ-CP và khoản 4, Điều 8 về “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG/LNG/CNG”, Thông tư số 03/2016/TT-BCT.
3.2 Vấn đề:
Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh gas không thể xin được Giấy phép kinh doanh khí gas, vì phải đòi hỏi 2 Giấy phép thay vì chỉ 1 như trước kia và Giấy phép này lại đòi hỏi đã phải có Giấy phép trên.
3.3 Kiến nghị:
Cần xem xét chỉnh sửa Nghị định trên theo hướng, bỏ điều kiện thương nhân phân phối LPG bắt buộc phải có trạm nạp LPG.
4.1 Về thời hạn cấp phép:
Khoản 3, Điều 43 về “Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định thời hạn cấp Giấy chứng nhận đối với 8 loại điều kiện kinh doanh khí là 30 ngày làm việc (tức là khoảng 40 ngày lịch trở lên), kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Thời hạn này là quá dài.
Vì vậy, đề nghị xem xét giảm thời hạn cấp phép xuống mức 7 ngày làm việc như quy định trước đây tại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26-11-2009 của Chính phủ về “Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng”.
4.2 Về số lượng và thẩm quyền cấp phép:
Đề nghị gộp Giấy chứng nhận đủ điều làm thương nhân phân phối và chiết nạp LPG vào chai thành 1 giấy, đồng thời giao việc cấp phép về cho Sở Công thương để giảm bớt giấy phép do Bộ Công thương cấp.
Đơn vị phản hồi: Bộ Công Thương
Công văn: , Ngày:
Nội dung trả lời: