Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Kiến nghị liên quan đến Chỉ thị 16/CT-UBND về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội: - Thành phố cần có sự phân loại các hình thức, mức độ vi phạm của các bảng để có sự xử lý khác nhau - Thành phố cần sớm xét duyệt, ban hành Quy hoạch đồng bộ với Quy chế quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn để làm cơ sở cho việc đưa hoạt động quảng cáo của Hà Nội vào trật tự, nền nếp, hạn chế đi tới giảm thiểu tình trạng vi phạm quảng cáo - Thành phố và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tiếp tục cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, triệt để áp dụng công nghệ thông tin tạo sự đột phá trong việc quản lý hoạt động quảng cáo cho xứng với tầm vóc của Thủ Đô - Thành phố cần tăng cường việc chống các hiện tượng tiêu cực (được nêu ở phần Chi tiết kiến nghị dưới đây) để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho hoạt động quảng cáo của Hà Nội.

Thứ bẩy, 28-10-2016 | 16:02:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Kiến nghị liên quan đến Chỉ thị 16/CT-UBND về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội: - Thành phố cần có sự phân loại các hình thức, mức độ vi phạm của các bảng để có sự xử lý khác nhau - Thành phố cần sớm xét duyệt, ban hành Quy hoạch đồng bộ với Quy chế quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn để làm cơ sở cho việc đưa hoạt động quảng cáo của Hà Nội vào trật tự, nền nếp, hạn chế đi tới giảm thiểu tình trạng vi phạm quảng cáo - Thành phố và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tiếp tục cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, triệt để áp dụng công nghệ thông tin tạo sự đột phá trong việc quản lý hoạt động quảng cáo cho xứng với tầm vóc của Thủ Đô - Thành phố cần tăng cường việc chống các hiện tượng tiêu cực (được nêu ở phần Chi tiết kiến nghị dưới đây) để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho hoạt động quảng cáo của Hà Nội.

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Công văn: , Ngày: 14/10/2016

Nội dung kiến nghị:

HHQCVN xin có một số kiến nghị với Thành phố trong việc triển khai Chỉ thị 16/CT-UBND liên quan đến hoạt động quảng cáo như sau:

Trước hết, xin khẳng định, từ trước đến nay, HHQCVN luôn ủng hộ và đề xuất nhiều biện pháp với Thành phố và Sở VHTT nhằm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương để hoạt động quảng cáo của Thành phố đi vào nền nếp. Tuy vậy, sau nhiều đợt ra quân chấn chỉnh, thực trạng hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố vẫn chuyển biến rất ít; tình trạng vi phạm còn phổ biến, có khi diễn ra phức tạp hơn (xem thêm Báo cáo số1192/SVHTT(TTr) ngày 21/12/2015 của Sở VHTT “V/v dựng bảng đứng độc lập trái phép”). Vì vậy, Chỉ thị 16 cũng đã  nhận định “Bên cạnh những tác động tích cực, còn tồn tại nhiều hạn chế bất cập: quảng cáo liên quan nhiều ngành quản lý nhà nước; hoạt động đa dạng; tình trạng vi phạm còn phổ biến tập trung ở 02 loại hình: bảng quảng cáo đứng một cột và bảng quảng cáo trên dải phân cách; việc xử lý vi phạm chưa được chặt chẽ, kiên quyết, đồng bộ ”.

 HHQCVN rất đồng tình với nhận định trên đây của Thành phố. Tuy vậy, với tinh thần thẳng thắn,  Hiệp hội cho rằng cần phân tích một cách sâu sắc và toàn diện hơn về nguyên nhân của tình trạng vi phạm quảng cáo còn phổ biến ở Hà Nội. Nhân đây, qua tìm hiểu, khảo sát thực tế, Hiệp hội xin được nêu  thêm một số  nguyên nhân chủ yếu như sau:

Một là: Thành phố đã chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Điều này, về mặt pháp lý, Thành phố chưa thực hiện đúng Điều 38 Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ 01/01/2013) quy định cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “Xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực”. Thực tế nhiều tỉnh chưa làm được quy hoạch mới nhưng phần lớn vẫn cho các quảng cáo đã nằm trong quy hoạch cũ được tiếp tục thực hiện đến khi có quy hoạch mới ban hành hoặc được bổ sung làm mới nếu xét thấy đề án phù hợp quy hoạch đang xây dựng. Nhờ đó, hoạt động quảng cáo ở hầu hết các địa phương được diễn ra bình thường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo yên tâm với công việc, ít xảy ra các vi phạm. Riêng Hà Nội vẫn còn hạn chế các doanh nghiệp.

Điển hình là Thông báo số 63/TB-SVHTTDL ngày 24/7/2014 của Sở VHTTDL “ Về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với một số trường hợp biển quảng cáo tấm lớn ”. Trong văn bản, Sở VHTT đã thông báo  “ tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với những trường hợp có hợp đồng thuê địa điểm quảng cáo được ký kết không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai.” cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố (chủ yếu là các đơn vị có vị trí quy hoạch quảng cáo đã được phê duyệt tại Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 13/01/2012 của UBND Thành phố). Từ đó đến nay, theo thông tin HHQCVN được biết, Sở VHTT không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào dù vị trí đó đã nằm trong quy hoạch cũ hay xin làm mới.

Tiếp đó, vẫn trong tình trạng chưa biết bao giờ có quy hoạch mới nhưng ngày 16/12/2015  tại văn bản số 1144/SVH&TT-QLVH “V/v đề xuất quản lý bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách”, Sở VHTT lại đề xuất với UBND Thành phố “Thu hồi toàn bộ thỏa thuận cho các doanh nghiệp lắp đặt bảng quảng cáo tại dải phân cách trên địa bàn thành phố kể từ ngày 01/01/2016 để quy hoạch lại...”. Văn bản này cùng với Thông báo số 63, vô hình trung Thành phố đã đặt tất cả các bảng quảng cáo trên địa bàn thành phố hiện nay đều nằm trong diện “vô phép”.

Việc Thành phố chậm ban hành quy hoạch nhưng lại không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm đã dẫn đến các hệ quả là:

- Một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì không xin được phép hoặc thỏa thuận của cơ quan quản lý.

- Phần lớn các doanh nghiệp rất muốn nghiêm túc chấp hành quy định của Nhà nước nhưng không được tạo điều kiện nên vì mục đích mưu sinh, phải tìm cách phá rào, chấp nhận vi phạm, chịu phạt, chịu bị xử lý để duy trì công ăn việc làm cho đội ngũ công nhân viên của mình.

- Khá nhiều doanh nghiệp mới ra đời cũng nhảy vào lĩnh vực quảng cáo, nhân cơ hội chưa có quy hoạch để làm ăn chụp giật, bất chấp quy định. Đối tượng này là thủ phạm chinh trong việc gây nên tình trạng lộn xộn về quảng cáo hiện nay.

- Một số ban, ngành, đặc biệt là cấp quận, huyện, sẵn quyền được phân cấp cấp phép xây dựng công trình quảng cáo, lại được phân công lập quy hoạch xây dựng  các điểm cổ động chính trị trên địa bàn, không chờ đến quy hoạch chung đã cấp thỏa thuận cho một số doanh nghiệp xây dựng rất nhiều bảng  mang danh nghĩa phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trên địa bàn nhưng thực chất để làm quảng cáo, góp phần làm cho tình hình quảng cáo thêm lộn xộn.

Hai là: Theo phản ánh của các doanh nghiệp quảng cáo, Tình trạng gây khó, sách nhiễu, tiêu cực... trong lĩnh vực quảng cáo ở Hà Nội khá phổ biến. Tiếp xúc với các cơ quan quản lýcác doanh nghiệp đều phải thực hiện phương châm “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” nếu trái ý thì “ hãy đợi đấy ! ”. Chỉ thị 16/CT-UBND không đề cập đến vấn đề này khi đánh giá tồn tại nên cũng không đưa ra biện pháp xử lý. Tuy vậy, HHQCVN cho đây là một nguyên nhân khá quan trọng khiến tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo trong cả nước nói chung và đặc biệt của Hà Nội nói riêng rất khó giải quyết nếu các hiện tượng tiêu cực không được ngăn chặn, giải quyết rốt ráo. 

Ba là: Thủ tục hành chính trong lĩnh vực quảng cáo của Thành phố chưa được cải cách một cách mạnh mẽ, đột phá; thiếu sự quan tâm của Thành phố đối với hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Điều này thể hiện ở nhiều văn bản của cơ quan quản lý hướng dẫn chồng chéo, thiếu đồng bộ. thậm chí viện dẫn văn bản một cách cứng nhắc, có khi còn sai lệch với những văn bản quản lý của cấp trên, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều năm theo dõi  hoạt động quảng cáo của Hà Nội, nhất là từ sau khi Luật Quảng cáo có hiệu lực, chúng tôi nhận thấy hầu như Thành phố chưa có một văn bản nào mang tính chất khuyến khích nghề nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển. Trong khi Luật Quảng cáo (Điều 3, Điều 4) quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước cũng như nội dung quản lý của Nhà nước về hoạt động quảng cáo. Văn bản của các cơ quan quản lý quảng cáo ban hành nặng về kiểm tra, xử lý thiếu sự quan tâm, cảm thông, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của  doanh nghiệp. Tài sản (bảng , biển) của các doanh nghiệp rất bị coi rẻ, mặc dù trung bình mỗi bảng cũng phải 7-800 triệu đồng nhưng nhiều khi bị trưng dụng  một cách ồ ạt, quá mức cần thiết, thậm chí còn có nguy cơ bị tháo dỡ không thương tiếc, làm ảnh hưởng không ít đến kinh tế, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp nản lòng, mất niềm tin, không thể chờ sự ban phát của cơ quan quản lý nên đã tự  bung ra làm ảnh hưởng đến trật tự chung của Thành phố.

Một số đề xuất và kiến nghị

        Với thực trạng và nguyên nhân trên đây, HHQCVN hoàn toàn ủng hộ chủ trương  của UBND Thành phố  tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố  “Để  hoạt động quảng cáo thực hiện đúng quy định” như Chỉ thị 16/CT-UBND đề ra. Tuy nhiên, để việc thực hiện Chỉ thị được kết quả, vừa lập lại được trật tự, kỷ cương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần của Chính phủ tại Nghị  quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, HHQCVN xin có một số đề xuất, kiến nghị với UBND Thành phố như sau:

  1. Nếu Thành phố yêu cầu các quận, huyện “Kiểm tra, xử lý, tháo dỡ hoàn toàn các công trình (khung, bảng, cột) quảng cáo vi phạm, tập trung xử lý 02 loại hình bảng quảng cáo: Bảng một cột trụ và bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu” sẽ gây ra một phản ứng lớn vì sự đánh đồng giữa những bảng có yếu tố hợp lệ với những bảng được dựng vô tổ chức. Mặt khác, với cảnh tượng các bảng tan nát sau xử lý, như thành phố vừa bị một cơn bão lớn tràn qua theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, rất phản cảm, bao giờ mới khôi phục lại được. Nhưng điều quan trọng hơn là theo đó sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có thể đi đến phá sản,  gây cho  xã hội một sự lãng phí vật chất to lớn cho dù đó là tiền của doanh nghiệp bỏ ra.  Trong khi Chính phủ đang chủ trương xây dựng một Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển thì việc xử lý một cách cứng nhắc sẽ làm cho hình ảnh của Thành phố bị ảnh hưởng rất nhiều. Do vậy, Thành phố cần cân nhắc rất kỹ, đừng để hàng trăm con người của các doanh nghiệp có nguy cơ thất nghiệp mà trong đó có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý của Thành phố.  Với những lý do đó, HHQCVN đề nghị Thành phố cần có sự phân loại các hình thức, mức độ vi phạm của các bảng để có sự xử lý khác nhau.

         Vì Sở VHTT đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ từ tháng 7 năm 2014 nên có thể nói, tất cà các bảng quảng cáo hiện có trên toàn thành phố đều nằm trong diện vi phạm phải xử lý. Nhưng nếu xử lý đồng loạt như các bảng được dựng một cách vô tổ chức thì không thỏa đáng. Để việc xử lý được công bằng và hiệu quả, HHQCVN  đề xuất có thể xếp các bảng thành 4 loại và cần có mức độ, lộ trình  xử lý khác nhau là:

  1. a) Loại bảng đã được nằm trong quy hoạch cũ, nay Sở VHTT đang tạm dừng tiếp nhận hồ sơ để chờ quy hoạch mới. Loại này không thể coi là vi phạm mà có thể được giữ lại đến khi có quy hoạch mới theo tinh thần kế thừa quy hoạch trước; tiếp tục cho cấp phép nội dung quảng cáo để các doanh nghiệp kinh doanh.
  2. b) Loại bảng đã được các sở, ban, ngành, quận, huyện cho phép xây dựng dưới hình thức xã hội hóa để phục vụ nhiệm vụ chính trị kết hợp làm quảng cáo. Loại này nếu bảng nào sử dụng đúng mục đích và tương lai sẽ nằm trong quy hoạch mới thì có thể cho giữ lại tiếp tục sử dụng như mục đích đã cam kết. Nếu bảng nào sai mục đích sử dung hoặc không nằm trong quy hoạch mới thì phải tháo dỡ.
  3. c) Loại bảng nằm trong các khuôn viên thuộc quyền sử dụng của các trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe ...Loại này chủ yếu do các chủ tự quảng cáo, nếu không làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị thì nên cho tồn tại.
  4. d) Loại bảng do doanh nghiệp làm chui, chộp giật, đánh lẻ, vô tổ chức, bất chấp quy định. Loại này cần được tháo dỡ triệt để, không cần xem xét.
  5. Đề nghị Thành phố cần sớm xét duyệt, ban hành Quy hoạch đồng bộ với Quy chế quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn để làm cơ sở cho việc đưa hoạt động quảng cáo của Hà Nội vào trật tự, nền nếp, hạn chế đi tới giảm thiểu tình trạng vi phạm quảng cáo.

         Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời của Hà Nội, HHQCVN đã có nhiều văn bản  góp ý, đề xuất theo yêu cầu của UBND  cũng như các cơ quan chức năng của Thành phố, gần nhất là văn bản số 26/CV-HH ngày 16/6/2016 gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc, đồng gửi báo cáo UBND và các cơ quan chức năng của Thành phố “Góp ý BC Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội”. Mong quý cơ quan tham khảo thêm. Điều quan trọng mà các doanh nghiệp mong muốn là Quy hoạch cần được công khai, minh bạch, tránh việc rò rỉ thông tin và tránh cả dư luận đang manh nha về sự sắp đặt mang tính lợi ích nhóm của một số cơ quan, cá nhân.

  1. Đề nghị thành phố và các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp tục cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, triệt để áp dụng công nghệ thông tin tạo sự đột phá trong việc quản lý hoạt động quảng cáo cho xứng với tầm vóc của Thủ Đô.
  2. Điều cuối cùng nhưng cũng là điều rất cần làm mà Chỉ thị 16/CT-UBND chưa đề cập đến là việc chống các hiện tượng tiêu cực như chúng tôi đã nêu ở trên  để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho hoạt động quảng cáo của Hà Nội.


Đơn vị phản hồi: UBND TP Hà Nội

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)