Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Không trả nợ ngân hàng kịp thời, có bị xử lý hình sự?

Thứ năm, 16-07-2020 | 13:46:00 PM GMT+7 Bản in
Bạn đọc có email tuanhaxxx@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi có sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng (hạn mức 10 triệu đồng) và vài tháng trở lại đây tôi đã thanh toán chậm (nhưng không nợ tháng nào). Hôm qua ngân hàng đòi tôi phải trả hết một lần chứ không thanh toán từng tháng. Nếu hết tháng 7 mà tôi không thanh toán hết hơn 9 triệu trong thẻ tín dụng thì ngân hàng sẽ chuyển hồ sơ của tôi cho cơ quan công an để khởi tố. Ngân hàng làm như vậy có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Về nguyên tắc, việc vay nợ giữa ngân hàng và người dân là quan hệ dân sự. Việc quy định về thời gian vay nợ, trả nợ thế nào do hai bên thỏa thuận. Nếu có tranh chấp thì ngân hàng phải khởi kiện bạn tại tòa án để được bảo vệ quyền lợi, trừ trường hợp bạn có hành vi có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tư vấn pháp luật

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.

Theo NAM DƯƠNG(Báo Lao động)
Ý kiến bạn đọc (0)