Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo phản ánh của Công ty CP Tư vấn xây dựng Thủy lợi Hải Phòng, trong dự toán công trình thuộc dự án xử lý khẩn cấp đê, kè biển Cát Hải – Hải Phòng được phê duyệt năm 2010 có hạng mục phát bụi cây, đào bụi tre, chặt tre, đào gốc cây, chặt cây và Công ty đưa hạng mục này vào phần chi phí xây lắp.
Năm 2012, khi thanh tra dự án, Thanh tra Sở kết luận, chi phí phát bụi cây, đào bụi tre, chặt tre, đào gốc cây, chặt cây đưa vào dự toán xây lắp là không đúng quy định do các chi phí này thuộc phần đền bù giải phóng mặt bằng, việc đưa vào dự toán xây lắp làm tăng giá trị dự toán, tăng giá trị gói thầu.
Về vướng mắc này, Công ty được Bộ Xây dựng trả lời như sau:“nếu khối lượng của hạng mục phát bụi cây, đào bụi tre, chặt tre, đào gốc cây, chặt cây… không quá lớn thì có thể đưa chi phí này vào dự toán công trình”. Nay, Công ty đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ khối lượng “không quá lớn” ở đây là bao nhiêu % giá trị xây lắp của công trình?
Ngoài ra, theo ý kiến của Công ty, căn cứ Mục 3.1, Điều 4 Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng “Chi phí xây dựng bao gồm cả: chi phí phá và tháo dỡ các công trình xây dựng, chi phí san lấp mặt bằng xây dựng” thì hoàn toàn có thể đưa hạng mục phát bụi cây, đào bụi tre, chặt tre, đào gốc cây, chặt cây vào dự toán xây lắp mà không phụ thuộc vào việc chi phí này lớn hay nhỏ. Công ty đề nghị Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn tiếp để Công ty hoàn thành tốt công tác tư vấn, bảo đảm tuân thủ quy định của Nhà nước.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Điều 4 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã quy định về thành phần và nội dung các khoản mục chi phí được xác định trong tổng mức đầu tư của một dự án đầu tư xây dựng.
Với nội dung kiến nghị Công ty nêu, do thông tin câu hỏi chưa đầy đủ nên chưa đủ cơ sở để xác định chi phí công tác phát bụi cây, đào bụi tre, chặt tre, đào gốc cây, chặt cây thuộc dự toán xây dựng hay thuộc dự toán phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là phù hợp. Tùy theo tính chất, mục đích, khối lượng của công việc để xác định cho phù hợp, tuy nhiên phải bảo đảm về nguyên tắc cùng một công tác không được xác định chi phí hai lần.
Ví dụ: Nếu với mục đích phát quang, dọn dẹp mặt bằng phục vụ chuẩn bị thi công và do nhà thầu xây dựng thực hiện thì chi phí này thuộc dự toán xây dựng công trình, nhưng nếu với mục đích đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thì chi phí được xác định trong dự toán phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án.