Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo phản ánh của Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Long Hải, Điều 31 Luật Quảng cáo quy định biển quảng cáo mặt tiền nhà chỉ được dưới 20m2 và chiều cao 2m, biển hông tường nhà dưới 40m2. Quy định này không phù hợp với nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị xem xét các phương án đề xuất sau:
- Cho phép doanh nghiệp làm biển quảng cáo tấm lớn vị trí đặt tại mặt tiền và các hông nhà, tại những công trình xây dựng dân dụng tùy theo diện tích (như nhà dân, tòa nhà chung cư,...) đã được cấp phép xâu dựng của cơ quan nhà nước.
- Cho phép làm biển quảng cáo trên nóc nhà dân, nóc tòa nhà nhưng chỉ được làm biển chữ.
- Biển cột trong thành phố với diện tích tối đa 80m2 1 mặt hoặc 2 mặt biển. Biển 1 cột trên các tuyến quốc lộ, cao tốc... là biển một trụ, kích thước mặt biển 180m2 một mặt, biển 2 mặt, biển tam giác 3 mặt.
- Các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về kết cấu của biển với các biển ốp tại các công trình dân sinh, các toà nhà, hay biển 1 cột; tự chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo, đảm bảo đúng sự thật, và phải tự đi nộp phí vào ngân sách nhà nước theo diện tích thực, và phí đã được quy định trong Luật Quảng cáo, và gửi maket về Sở để biết.
Ngoài ra, về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu tại Mục 4 của Luật Quảng cáo, hiện nay ở thành phố Hà Nội có nhiều tuyến phố được treo phướn hay băng tôn quảng cáo trên cột đèn chiếu sáng nhưng chỉ ở những vị trí cột đã được quy hoạch, việc này khiến số lượng phướn bị giới hạn và phải phụ thuộc vào đơn vị quan hệ để bao thầu các vị trí đó, dẫn đến không công bằng. Do đó, Công ty đề xuất cho treo quảng cáo phướn hoặc băng rôn tại tất cả các cột đèn của thành phố (trừ một số tuyến phố cấm: như khu vực Lăng Bác Hồ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm).
Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:
Xây dựng công trình quảng cáo phải có giấy phép
Điều 31 Luật Quảng cáo không quy định biển quảng cáo mặt tiền nhà chỉ được dưới 20m2 và chiều cao 2m, biển hông tường nhà dưới 40m2như kiến nghị của doanh nghiệp. Tại Điều này chỉ quy định về loại công trình quảng cáo phải xin giấy phép xây dựng, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo. Việc xác định vị trí, số lượng, kích thước bảng quảng cáo thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh khi xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo.
Kiến nghị cho rằng nên để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết cấu của bảng quảng cáo gắn vào công trình xây dựng có trước mà không thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng là không phù hợp với Luật Quảng cáo và Luật Xây dựng. Việc cấp phép xây dựng công trình quảng cáo nhằm đảm bảo an toàn, không gian thoát hiểm, cứu hỏa, trật tự, cảnh quan đô thị là cần thiết.
Không cấm đặt bảng quảng cáo tấm lớn tại mặt tiền nhà, băng-rôn trên trụ đèn
Theo quy định tại Luật Quảng cáo và Luật Xây dựng hiện nay không cấm bảng quảng cáo tấm lớn đặt tại mặt tiền nhà, biển chữ trên nóc nhà, vì vậy, doanh nghiệp được thực hiện, tuy nhiên, kết cấu, nội dung, hình thức phải đảm bảo quy định của địa phương và phải thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Quảng cáo. Bên cạnh đó, diện tích, hình thức bảng quảng cáo độc lập trong nội thành, nội thị và các tuyến cao tốc, quốc lộ không thể quy định cứng nhắc trong Luật mà phải do địa phương căn cứ vào thực tiễn để quy định phù hợp.
Khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo cấm hành vi "Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng". Như vậy, việc treo băng-rôn, phướn trên các trụ đèn của thành phố không bị cấm theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, số lượng, vị trí phải tuân theo quy hoạch quảng cáo ngoài trời của từng địa phương để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục tình trạng treo băng-rôn lộn xộn, mất an toàn, hết thời hạn không tháo dỡ... thì các địa phương áp dụng quản lý băng-rôn bằng hình thức xã hội hóa (do doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện đầu tư, cho thuê, thu phí nộp vào ngân sách nhà nước và tháo dỡ khi hết hạn). Việc doanh nghiệp kiến nghị tự lựa chọn vị trí, địa điểm, số lượng treo băng-rôn mà không thực hiện thủ tục thông báo sẽ dẫn đến tình trạng giành giật vị trí, địa điểm, đơn vị này chưa thực hiện xong đã có đơn vị khác tháo xuống, hoặc hết hạn không tháo dỡ dẫn đến khiếu kiện giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và khó khăn cho công tác quản lý.
Trong quá trình góp ý Đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề nghị các địa phương lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong việc xác định vị trí, khu vực quảng cáo băng-rôn để đảm bảo hiệu quả của quảng cáo, quyền lợi của doanh nghiệp, tính khả thi và thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước.
Theo Chinhphu.vn