VOV.VN -Luật sư đưa ra góc nhìn về mặt pháp lý liên quan đến việc khởi tố tội khủng bố với kẻ nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Liên quan đến hành vi nhắn tin đe dọa, chửi bới, xúc phạm của bị can Nguyễn Trọng Phương (37 tuổi, trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố tội Khủng bố, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết, đầu tiên phải khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Việc xử lý những người thực hiện hành vi này một cách nghiêm minh là cần thiết để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên chế tài xử lý được áp dụng là hành chính hay hình sự thì còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ, nội dung, mục đích nhắn tin.
Hai nghi can đe doạ chủ tịch Bắc Ninh đã bị bắt và khởi tố về tội khủng bố; không tố giác tội phạm.
Về vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa, cơ quan điều tra khởi tố người nhắn tin là Nguyễn Trọng Phương về tội Khủng bố và Trần Anh Thuận (36 tuổi, quê Bắc Ninh) về tội Không tố giác tội phạm được báo chí đăng tải, quan điểm của luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng hành vi của Nguyễn Trọng Phương có vẻ như không phù hợp với tội danh này.
Theo Điều 230a Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009, tội khủng bố được quy định: “Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá huỷ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.…"
Luật sư Thanh cho hay, như vậy ý thức chủ quan của người phạm tội này đầu tiên là phải nhằm mục đích gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng và để đạt được mục đích này thì người phạm tội xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản không phải của mình.
Nếu xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản không phải của mình nhưng không nhằm mục đích gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì không phạm tội Khủng bố.
Theo quy định của pháp luật, tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 230a có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người như quảng trường, ngã ba, ngã tư đường giao thông, tại các bến, nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà, cơ sở hạ tầng khác mà người dân có thể đến với nhiều mục đích khác nhau.
Đối chiếu với cách hiểu này, hành vi của Nguyễn Trọng Phương không phù hợp với tội danh Khủng bố.
Tuy nhiên ông Thanh cho rằng, nhận định của mình dựa vào những gì báo chí đăng tải, trong vụ việc này có thể Công an tỉnh Bắc Ninh còn nhiều tài liệu khác chứng minh tội phạm nên đã quyết định khởi tố Nguyễn Trọng Phương về tội danh trên.
Ở quan điểm khác, Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon cho rằng, xét về mặt lý luận khoa học hình sự của tội khủng bố được quy định tại Điều 84 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, được quy định tại điều 230a, với hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án này, ông cho rằng có đủ cơ sở khoa học pháp lý và yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo luật sư Long, Điều 84 BLHS 1999 quy định về tội Khủng bố:
(1) Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
(2) Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
(3) Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
(4) Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo điều này”.
(Người dân Bắc Ninh mất ngủ vì tàu khai thác cát - Nguồn VNexpress)
Luật sư Long phân tích, hành vi khủng bố được thực hiện nhằm vào một trong ba mục đích gồm: (1) gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng; (2) ép buộc chính quyền làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố; (3) ép buộc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố.
Về yếu tố cấu thành tội phạm, theo luật sư có 4 nhóm hành vi: Thứ nhất, xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình khác được xếp hạng quốc gia.
Thứ hai, xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc chiếm giữ, làm hư hại các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình khác được xếp hạng quốc gia.
Thứ ba, đe doạ thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Thứ tư, kích động người khác thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, tự do thân thể, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Đối chiếu với các quy đinh nêu trên với nội dung vụ án luật sư Long cho hay, xét về mặt hành vi khách quan tội phạm thì Nguyễn Trọng Phương nhắn tin đã uy hiếp tinh thần Chủ tịch UBND tỉnh phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 84 BLHS.
Hành vi trên thuộc nhóm thứ 4 của tội Khủng bố uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc công dân.
Với động cơ, mục đích của việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhằm gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cát trên địa bàn và tranh giành bến bãi rõ ràng bị can Nguyễn Trọng Phương đang, đã ép buộc chính quyền là UBND tỉnh Bắc Ninh do ông Nguyễn Tử Quỳnh là Chủ tịch - người có thẩm quyền quản lý và đứng đầu một địa phương “để yên” cho chúng làm ăn nhằm trục lợi từ việc khai thác nguồn tài nguyên cát ở sông Cầu và hoạt động giao thông đường thủy nơi đây.
Điều này đồng nghĩa hành vi của Phương nhắn tin với mục đích “ép buộc chính quyền làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố”, luật sư Long phân tích.
Từ những căn cứ, phân tích trên cho thấy, việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố tội danh Khủng bố theo Điều 84 BLHS đối với Nguyễn Trọng Phương là đúng người đúng tội./.