Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc hợp tác công - tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa cũng ngày một phát triển. Nhiều giống lúa của các viện nghiên cứu đã được chuyển nhượng, chuyển giao cho doanh nghiệp, từ đó nhanh chóng được thương mại hóa ra sản xuất và góp phần vào thành tựu xuất khẩu gạo ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc hợp tác công giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu đang phụ thuộc vào Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ về "Quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước". Điều này khiến các doanh nghiệp không có quyền sở hữu các giống lúa, dù họ có đóng góp vào quá trình nghiên cứu.
Cục Trồng trọt đánh giá, Việt Nam đang có bộ giống lúa hội đủ các tiêu chí: Ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, chất lượng tốt, là mơ ước của nhiều nước trong khu vực. Đồng thời với sự dịch chuyển bộ giống lúa chất lượng cao, giá gạo của Việt Nam hiện đã thuộc top đầu thế giới. Theo các thông tin thị trường, 3 loại gạo chất lượng Đài Thơm 8, OM18 và OM5451 chiếm tới 52% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023.
Trước đây doanh nghiệp lẫn các viện nghiên cứu đều rất mạnh dạn hợp tác công - tư nhưng đến nay, vẫn thiếu hành lang pháp lý cụ thể cho việc hợp tác này. Từ năm 2018 đến nay, các viện không thể chuyển giao bản quyền giống cây trồng cho doanh nghiệp dù doanh nghiệp có tham gia vào quá trình nghiên cứu, mà thay vào đó chỉ là hình thức chuyển giao quyền sản xuất kinh doanh.
Do đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan quản lý cần có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn các viện nghiên cứu hướng xử lý đối với các giống cây trồng đã bán trước khi thi hành Nghị định số 70/2018/NĐ-CP và sớm ban hành các doanh mục quyết định giao quyền giống cây trồng cho các đơn vị. Từ danh mục đó, doanh nghiệp sẽ nắm được các trình tự, thủ tục để tham gia vào quá trình hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết thêm, việc thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu giữa các viện và doanh nghiệp đang rất vướng. Các doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp làm giống đang gặp khó khăn trong việc đổi mới khoa học công nghệ do hạn chế về nguồn lực kinh tế, kiến thức, nhân lực, trình độ và công nghệ. Đặc biệt việc bảo vệ thương hiệu rất khó khăn.
Thêm nữa, việc thực hiện các đề tài, dự án có hỗ trợ ngân sách nhà nước còn nhiều thủ tục phức tạp, cơ chế tài chính chưa khuyến khích nghiên cứu và phát triển. Do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa thông suốt nên mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Để minh bạch cơ chế hợp tác công - tư, ông Trần Mạnh Báo kiến nghị, thứ nhất, Nhà nước phải tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, bởi không có khoa học công nghệ thì không thể phát triển được. Thứ hai, cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế hợp tác công - tư, chính sách về thực hiện các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.
Ngày 23/06/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2258/QĐ-BNN-HTQT về việc thành lập Nhóm công tác Đối tác công tư về lúa gạo và giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam làm đồng chủ trì nhóm công tác.
Theo Diệu Hoa (Thời báo Tài chính Việt Nam)
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-hop-tac-cong-tu-trong-nghien-cuu-thuong-mai-giong-lua-152326.html