Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Khi thay đổi tư duy lãnh đạo

Thứ sáu, 05-02-2016 | 17:58:00 PM GMT+7 Bản in
Những người lãnh đạo buộc phải vươn lên bằng chính khả năng, sự trung thực, uy tín và đạo đức kinh doanh thì DN mới phát triển bền vững.

Những thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập đòi hỏi các doanh nhân phải đổi mới tư duy lãnh đạo DN mình

Cần một tư duy mới

Cả trăm nghìn DN sụp đổ và tan vỡ trong mấy năm vừa qua, cuối cùng cũng được giải thích là do người đứng đầu đã chọn hướng phát triển không bền vững, luôn luôn bị cuốn vào các mối lợi có tính “chộp giật” như chứng khoán, nhà đất…

Ở giai đoạn tăng trưởng nóng khi trước, dòng tiền đã không được một số doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà để đầu cơ với mong muốn “kiếm tiền nhanh”. Nên khi các kênh đầu cơ “nguội lạnh”, họ chợt nhận ra mình đã nhúng quá sâu vào cuộc chơi “đen đỏ”.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các DN khó khăn trong giai đoạn vừa qua đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ, còn cơ hội chỉ có DN lớn được hưởng.

Tại một cuộc trò chuyện dịp cuối năm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng, chỉ trong vài năm qua đã xuất hiện những tỷ phú đô-la người Việt, còn nếu tính triệu phú thì “nhiều vô biên cương”.

Tuy nhiên, gần như không một ai trong số họ giàu lên nhờ bí quyết công nghệ, thành công trong xây dựng thương hiệu, hay có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Thay vào đó, các “đại gia” phất lên nhanh nhờ chiếm được những miếng “đất vàng”, ăn chênh lệch giá, đầu cơ chứng khoán thành công, thậm chí gian lận trong ngành tài chính…

Chính từ sự phát triển không có nền tảng bền vững như vậy, họa phúc không phải là việc của một ngày.

Các DN khó khăn trong giai đoạn vừa qua đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ, còn cơ hội chỉ có DN lớn được hưởng

Thay vì đầu tư vào khoa học công nghệ, áp dụng quản trị hiện đại… để tận dụng cơ hội từ hội nhập, cùng với những dòng vốn nóng từ nước ngoài chảy vào nền kinh tế thì phong trào đầu cơ chứng khoán, BĐS cũng nở rộ. Trong làn sóng đó, “nấm mồ” thất bại của DN cứ chất cao dần, theo sau những chiến lược sai lầm của người lãnh đạo. Bởi khi đó, hệ thống động lực tìm kiếm lợi nhuận trở nên sai lệch, các lãnh đạo DN chạy theo những mục tiêu trục lợi ngắn hạn, không bền vững...

Từ đây, người ta cho rằng bước sang năm 2016 cũng là lúc các nhà lãnh đạo DN phải đổi mới tư duy, phải đoạn tuyệt với “mô hình tăng trưởng nóng” dựa vào việc trục lợi ngắn hạn, phải thay đổi động lực phát triển... Những bài học cũ đều cho thấy sự vươn mình quá lớn của những người làm lãnh đạo DN chính là ranh giới giữa đầu cơ và kinh doanh.

Trên thực tế, để cải thiện tình hình, Chính phủ đã nhận ra được những yếu kém còn tồn tại nên nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, tái cơ cấu nguồn nhân lực được thực hiện gắt gao. Trong quá trình tái cơ cấu đó, đã có rất nhiều sự thay đổi về nhân sự cao cấp trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Và một thể chế trọng dụng nhân tài mới

Thế nhưng, để giải quyết triệt để thì không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước nỗ lực mà chính lãnh đạo DN cũng phải thay đổi tư duy. Theo ông Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ sang một thể chế trọng dụng nhân tài, có năng lực kịp thời tự phát hiện yếu kém, lạc hậu và chấp nhận cải cách luôn luôn đón chào sự sáng tạo và đạo đức kinh doanh hơn là tài chính.

Bởi vì, làm DN phải có hoài bão lớn. Đó chính là động lực giúp người lãnh đạo vượt lên chuyện bình thường tưởng không làm được và thành quả đạt được tiếp tục là động lực để dấn thân. Theo ông Doanh, khi Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường, áp lực ngày càng cao, việc ưu tiên lựa chọn đi tiên phong trong ngành là rất quan trọng.

Bước sang năm 2016 cũng là lúc các nhà lãnh đạo DN phải đổi mới tư duy, phải đoạn tuyệt với “mô hình tăng trưởng nóng”, phải thay đổi động lực phát triển

“Nhìn chung, đất nước muốn phát triển thì phải có sự công bằng để thi đua ai vượt trội sẽ có cơ hội. Ngược lại, những thành phần vượt lên nhờ yếu tố quyền lực và các nhóm lợi ích thì đất nước sẽ phát triển theo một hướng khác. Đồng tiền trong túi ai cũng vậy, nhiều ít không thành vấn đề, nhưng đồng tiền đó phải sinh ra hiệu quả cho xã hội. Và muốn sinh ra hiệu quả thì nó phải xuất phát từ những người có năng lực, có tâm, có tầm và phải được điều hành bởi những người có năng lực thật sự”, ông Doanh kỳ vọng.

Đồng quan điểm, TS. Trần Hữu Chinh, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Ngoại thương và Đầu tư phát triển TP. Hồ Chí Minh (Fideco) bổ sung, trong mọi lĩnh vực kinh doanh, để DN phát triển vững mạnh thì nhà quản trị phải có tư tưởng thoáng, coi trọng khoa học công nghệ và không tự mãn. Những nhà lãnh đạo không sợ rủi ro sẽ có tư thế luôn tiến về phía trước. Nhưng táo bạo không đồng nghĩa với liều mạng, nghĩa là phải dự báo được những rủi ro có thể xảy đến cũng như tìm được cách ứng phó.

Với kinh nghiệm của mình, ông Chinh cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thể nghiệm cơ chế thị trường nên còn những điểm chưa hoàn thiện, cần khắc phục. Điển hình như vấn đề cạnh tranh, đôi khi vì lợi nhuận mà doanh nhân bất chấp vi phạm đạo đức kinh doanh. Cho nên, trong phần chia sẻ và gửi gắm quan điểm cho những ai đang và sẽ bước vào thương trường, ông mong họ xây dựng được nền tảng đạo đức kinh doanh cho DN mình, kế đến là chữ tín, phải thực hiện bằng được điều mình cam kết...

Về khía cạnh này, ông Lê Đăng Doanh cũng thừa nhận những thành công mà các DN có được hầu hết nhờ vào uy tín. Uy tín của DN, uy tín của cá nhân người lãnh đạo là những công cụ rất đắc lực tạo điều kiện để đặt mối quan hệ. Sau cùng mới tính tới năng lực bản thân, điều này sẽ quyết định sự thành bại của người đó. Cuối cùng, trong kinh doanh tiền không phải là yếu tố quyết định, mà chữ tín mới là điều quyết định. Đó chính là điều đầu tiên rút ra được trong cuộc đời hoà nhập thị trường thương mại của mình.

Ông Chinh bày tỏ thêm, mọi quyết định của nhà lãnh đạo đều dựa trên lợi ích của các bên, không nên vì lợi ích trước mắt mà sa vào tình trạng gian lận. “Những người lãnh đạo buộc phải vươn lên bằng chính khả năng, sự trung thực, uy tín và đạo đức kinh doanh thì DN mới phát triển bền vững”, ông chia sẻ.

Vũ Chi (Thời báo Ngân hàng)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)