Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hội nhập AEC: Logistics kỳ vọng tăng trưởng

Thứ năm, 07-01-2016 | 14:56:00 PM GMT+7 Bản in
Cộng đồng Kinh tế Asean vừa mới ra đời và đi vào hoạt động là một bước ngoặt, đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta, trong đó lĩnh vực Logistics là một trong những nhóm ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới.

Những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khối AEC về Logistics đã chính thức có hiệu lực. Ảnh: Hoàng Long.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Tại Hội nghị giao thương “Logistics Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế Asean” vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Logistics Việt Nam thông qua việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển của xuất khẩu Việt Nam trong cộng đồng AEC, cùng với đó vấn đề kết nối và hợp tác hiệu quả giữa các nhà cung cấp dịch vụ Logistics Việt Nam với các nhà sản xuất, xuất nhập hàng hóa của nước ta, vấn đề giải pháp và chiến lược phát triển ngành Logistics Việt Nam trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới khi thực hiện FTA và TPP bên cạnh AEC cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Theo ông Bùi Thiên Thu- Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, kết nối và hội nhập Logistics cần phải khẳng định là hai trụ cột lớn khi Việt Nam hội nhập AEC. Một số chuyên gia quốc tế đánh giá, các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam thiếu tính kết nối, còn hoạt động manh mún, dịch vụ đơn lẻ, ít dịch vụ Logistics tích hợp. Mặt khác còn thể hiện thiếu tính kết nối ngang các hoạt động dịch vụ Logistics từ các doanh nghiệp có lợi thế riêng để tối ưu chi phí, thời gian, nguồn nhân lực nhằm cung cấp một dịch vụ tổng hợp có giá trị gia tăng. 

“Hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới, trong đó hội nhập AEC vốn là thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng lớn của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh sẽ thúc đẩy ngành Logistics phát triển và hưởng lợi. Cùng với TPP, FTA thì hội nhập AEC sẽ là bước ngoặt lớn mang tính lịch sử, là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển và hội nhập sâu rộng hơn trong sân chơi toàn cầu” - ông Thu nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận: AEC ra đời và đi vào hoạt động, những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khối AEC về Logistics đã chính thức có hiệu lực. Điều đó, đòi hỏi tất các các doanh nghiệp Logistics Việt Nam cần phải thay đổi và xác định rõ cơ hội cũng như thách thức để tồn tại và phát triển trong tổng thể chung của kinh tế khu vực và thế giới.

Logistics Việt Nam cần xác định rõ cơ hội cũng như thách thức để phát triển.

Theo Luật thương mại, “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”   

Cơ hội và thách thức

Ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam nhận định, để tiến hành hội nhập Logistics với AEC, chúng ta sẽ phải hội nhập về nhân lực chuyên nghiệp và sẽ có các thách thức mới sâu sắc hơn từ việc di chuyển nhân lực trong khu vực. Điều đó, giúp chúng ta có điều kiện đưa nhân lực, mạng lưới ra ngoài nước, nguồn nhân lực sẽ được cọ xát với khu vực, trong khi đó nhân lực Logistics chuyên nghiệp từ các quốc gia trong AEC sẽ đến làm việc với chúng ta. Như vậy, việc hội nhập trong đó có việc di chuyển nhân lực Logistics sẽ là đan xen giữa cơ hội và thách thức. 

Cũng theo ông Quang, hiện nay, vẫn có những nhà sản xuất, XNK và kể cả những nhà cung cấp dịch vụ Logistics chỉ biết dựa vào lợi thế địa phương, phân mảnh các hoạt động Logistics hoặc họ chỉ nghĩ hàng hóa bán qua mạn tàu (FOB) là xong, lấy bill và thu tiền, đó là cái nhìn thiện cận, thiếu hiểu biết về chuỗi cung ứng. Điều đó, phải thay đổi triệt để khi hội nhập AEC mới có khả năng cạnh tranh.

Ông Đào Ngọc Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho rằng, với thế mạnh cảng biển và kho bãi…thì Logistics thành phố cần phải đồng bộ kết cấu hạ tầng. Thực tế, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng Logistics của TP HCM là chưa đồng bộ, mặc dù hệ thống ấy vẫn đáp ứng ở mức độ nào đó nhu cầu nhưng còn thiếu khá nhiều thành phần quan trọng cũng như sự kết nối giữa các thành phần ấy là chưa được đảm bảo.

Một số cảng biển lớn vẫn còn chưa khai thác đến mức công suất thiết kế mà phải hoạt động cầm chừng, nguyên nhân là do chưa có hệ thống đường bộ kết nối. Trong khi đó, một số cảng có đường bộ kết nối tốt thì lại quá tải, không theo kịp sự phát triển nhu cầu Logistics tăng trưởng khá nhanh của doanh nghiệp.

Hiện trạng này cho thấy việc quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng Logistics TP.HCM còn khá rời rạc. Sự chưa đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng Logistics đã làm gia tăng chi phí xã hội của nền kinh tế và giảm đi khả năng cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu của Thành phố và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi hội nhập AEC- ông Thắng nhấn mạnh sự cấp thiết phải đồng bộ hóa của Logistics TP HCM khi hội nhập AEC.

“Nên định vị logistics vào cơ cấu của nền kinh tế, xem đây là nhóm ngành dịch vụ ưu tiên phát triển dài hạn, gắn với chiến lược kinh tế biển và đặt ngành trong môi trường ngành logistics khu vực. Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư thông qua mô hình hợp tác công - tư. Tiếp đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho ngành” - ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.    

Nam Hồng- Quang Minh (Đại đoàn kết online)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)