Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Năm 2018, ngành tài chính đã hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan |
Năm 2018, Bộ Tài chính rà soát và hoàn thiện ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều chính sách đáng chú ý như: Trình Quốc hội quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017-2020 và cho ý kiến đối với dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; xem xét, ban hành các Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về lệ phí trước bạ, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung quy định về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện 3 dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng để trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 .
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách, ngành Tài chính còn tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, hiện đại hóa công tác thu thuế, hải quan theo lộ trình đã đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; tăng cường đối thoại, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.
Qua đó, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời, vừa bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đã đề ra, vừa bảo đảm thực hiện tốt các cam kết quốc tế về thuế.
Năm 2018 cũng là năm bắt đầu thực hiện các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước do Chính phủ ban hành ngày 14/11/2017); thực hiện lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á xuống mức 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Ngoài ra, nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ đã bổ sung quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn
Hệ thống các cơ chế, chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính được tiếp tục hoàn thiện đồng bộ; bảo đảm quá trình giao dịch, vận hành và quản lý thông suốt, an toàn, công khai, minh bạch. Đã tạo được khuôn khổ pháp lý để phát triển hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường chứng khoán phái sinh, lĩnh vực kế toán, kiểm toán, xổ số, vui chơi có thưởng…; từng bước ổn định và nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm giai đoạn 2018-2020.
Đối với thị trường vốn, đã tập trung các giải pháp để phát triển quy mô thị trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn; thực hiện tái cấu trúc tổ chức thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin; đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động hiệu quả, ổn định.
Đến nay, thể chế, chính sách trong lĩnh vực thị trường vốn đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ từ cấp luật, nghị định đến các văn bản hướng dẫn, tạo dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để phát triển và quản lý, giám sát hoạt động của thị trường, bao gồm cả thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu.
Đối với thị trường trái phiếu, triển khai Quyết định 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường.
Theo đó, tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp; cơ chế bảo đảm thanh khoản cho nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy thanh khoản thị trường trái phiếu Chính phủ như thông lệ quốc tế.
Ngày 4/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp với các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu trên thị trường, tăng cường minh bạch và công khai thông tin vừa thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư, vừa nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý
Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư và các yêu cầu mới đang đặt ra.
Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi, trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán; Thông tư hướng dẫn công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán; Thông tư hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; Thông tư quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.
Sửa chính sách để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm
Trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp và hiện nay Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020, Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã (Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định này); đang nghiên cứu, xây dựng sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn Nghị định thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư hướng dẫn tổ chức thi, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Về thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ. Trong lĩnh vực kiểm toán, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng; tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập; đồng thời cũng đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên.
Nhìn chung, hệ thống các văn bản hướng dẫn về kiểm toán độc lập trong thời gian qua đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập.
Trong lĩnh vực kế toán, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Kế toán, Nghị định về báo cáo tài chính Nhà nước; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán. Nghị định đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành nghề dịch vụ kế toán, kinh doanh dịch vụ kế toán phù hợp với thực tế hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán. Các thông tư hướng dẫn đối với lĩnh vực kế toán hiện nay đã được triển khai thực hiện thông suốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân đăng ký hành nghề được thuận lợi.
Về thị trường mua bán nợ, Bộ Tài chính đã chủ động trao đổi với các đơn vị thực hiện chức năng mua bán nợ (gồm các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại, các công ty mua bán nợ, VAMC và DATC) để tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình mua bán, xử lý nợ xấu để xác định các nội dung cần quy định, sửa đổi bổ sung hoặc được hướng dẫn nhằm xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường mua bán nợ.
Điều chỉnh chính sách thuế phù hợp hội nhập
Năm 2018, ngành Tài chính tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo lộ trình trong khuôn khổ 10 hiệp định thương mại tự do đang thực thi; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Danh mục hàng hóa và thuế hỗn hợp, Danh mục hàng hóa và thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; tích cực tham gia đàm phán các nội dung về cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ và dịch vụ tài chính trong các hiệp định mà Việt Nam đang tham gia, bao gồm các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam và khối 04 nước Bắc Âu (VN-EFTA).
Theo dõi tiến độ phê chuẩn để chuẩn bị thực thi đối với các hiệp định đã hoàn tất đàm phán như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Cu Ba, ASEAN - Hồng Kông, Việt Nam – EU.
TS. Nguyễn Viết Lợi
Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
Theo Báo Chính phủ