Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa như sau:
Chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2015 theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ cho vay của Chương trình đạt 38.905 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với 1.081.849 khách hàng còn dư nợ; đây là chương trình tín dụng có dư nợ tín dụng cao thứ 2 trong các chương trình tín dụng đang triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, dư nợ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo đạt 1.721 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh, với 36.426 khách hàng còn dư nợ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố và Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Chương trình.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg ngày 21/1/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, theo đó đã bỏ quy định về mốc thời gian thực hiện chương trình.
Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi tín dụng nước sạch nông thôn
Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì trình ban hành).
Theo đó, đối tượng cho vay của chương trình là hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn và chưa bảo đảm vệ sinh, mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/hộ/công trình, lãi suất cho vay 9%/năm. Nguồn vốn thực hiện chương trình do Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động và được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ cho vay của chương trình đạt 39.302 tỷ đồng, chiến tỷ trọng 17,37% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với 2.724.228 khách hàng còn dư nợ; đây là chương trình tín dụng có dư nợ tín dụng cao thứ nhất trong các chương trình tín dụng đang triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, dư nợ chương trình đạt 1.601 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,86% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh, với 101.547 khách hàng dư nợ.
NHNN được biết tại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và đã được gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan, Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 10/2020 trước khi trình Quốc hội thông qua dự kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV), trong đó đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với NHNN và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi đầu tư xây dựng, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Về phía NHNN, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi đầu tư xây dựng, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.