Hộ dân cư có được tự ý cải tạo khi chung cư xuống cấp?
Trên thực tế, không có điều luật cụ thể nào quy định quyền yêu cầu của hộ dân đối với việc cải tạo chung cư xuống cấp. Tuy nhiên, tại Điều 4 Nguyên tắc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định:
"Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà (trừ trường hợp chung cư độc lập), bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Khoản 3 Điều 112 của Luật Nhà ở".
Như vậy, theo quy định trên, hộ dân cư không được tự ý cải tạo, sửa chữa nhà chung cư xuống cấp (trừ trường hợp là chung cư đơn lẻ).
Trong trường hợp hộ dân cư có yêu cầu cải tạo nhà chung cư xuống cấp thì có thể gửi yêu cầu về UBND cấp tỉnh (nơi có nhà chung cư), theo khoản 1 Điều 111 Luật nhà ở 2014:
“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư có trách nhiệm tổ chức rà soát, thống kê các loại nhà chung cư trên địa bàn; lập và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 110 của Luật này".
Các trường hợp được phép cải tạo nhà chung cư
Theo quy định tại Điều 110 Luật Nhà ở 2014, các trường hợp được phép phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại bao gồm:
- Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 99 của Luật Nhà ở 2014.
- Nhà chung cư bị hư hỏng mà chưa thuộc diện bị phá dỡ nhưng nằm trong khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với khu nhà ở thuộc diện bị phá dỡ theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở 2014 theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
- Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 109 Luật Nhà ở 2014 nhưng được tất cả các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư.