Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Hiệp hội Xi măng Việt Nam vừa có kiến nghị Thủ tướng loạt giải pháp gỡ khó cho ngành Xi măng, tránh nguy cơ khiến doanh nghiệp phá sản, bán mình.
Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn. Lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022.
Hiệp hội Xi măng cho rằng ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đẩy nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, Hiệp hội Xi măng cũng kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu đối với clinker, trước mắt nếu chưa bãi bỏ thì giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker 2 năm tới là 5%.
Đặc biệt, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, đồng thời không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dự án xi măng tại Việt Nam.
Trước đó, hồi cuối năm 2023, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng đã kiến nghị Thủ tướng loạt đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng. Đó là thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở.
Về chính sách thuế, đề nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% (theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP) tạm giữ thuế suất thuế xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm; Cùng với đó, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu (clinker) quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Bộ Tài chính sửa đổi các Thông tư liên quan theo hướng sản xuất clinker không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế VAT.
Chính phủ cũng nên xem xét, sửa đổi Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 152/2015/TT-BTC theo hướng quy định lại cách tính thuế tài nguyên đối với sản phẩm chế biến từ khoáng sản trong đó có xi măng, clinker để thuế tài nguyên không bị tính trùng lên thuế thu nhập doanh nghiệp như phản ánh của các doanh nghiệp.
Hiệp hội Xi măng cho rằng cần thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu vật liệu xây dựng; nâng cao chất lượng tiết giảm chi phí sản xuất.