Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hậu Giang: Hai doanh nghiệp được thu mua, tạm trữ lúa gạo

Thứ ba, 02-02-2016 | 09:03:00 AM GMT+7 Bản in
(TBTCO) - Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định chấp thuận cho 2 doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện thu mua, tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa cho bà con nông dân trong vụ Đông xuân năm nay.

Hai công ty được chấp thuận là Công ty TNHH Khánh Hưng và CtyCP đầu tư lương thực Đại Phát. Mỗi doanh nghiệp được giao thu mua, tạm trữ 25.000 tấn lúa của bà con nông dân ở địa phương.

Các doanh nghiệp này đang kinh doanh, chế biến và xuất nhập khẩu lương thực. Mỗi doanh nghiệp phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng nhà kho trữ lúa, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống đường nội bộ, hàng rào, sân phơi, hệ thống phòng cháy chữa cháy..., bằng nguồn vốn 100% của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, được miễn và giảm thuế thuê đất theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Lê Văn Đời, hiện nay bà con nông dân đang tiến hành thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Tổng diện tích vụ Đông Xuân của Hậu Giang năm nay gần 80.000 ha, năng suất khoảng 6 tấn/ha, tổng sản lượng vụ Đông Xuân này gần 480 nghìn tấn; tổng sản lượng cả năm của Hậu Giang khoảng 1 triệu 200 nghìn tấn lúa. Nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp đủ điều kiện mua tạm trữ 50.000 tấn lúa. Tuy nhiên, bà con nông dân không nên lo ngại, vì tỉnh Hậu Giang đã trúng thầu xuất khẩu gạo gần 2 triệu tấn gạo trong năm 2016, nên việc tiêu thụ lúa gạo của bà con nông dân là rất dễ dàng, ổn định giá cả và đảm bảo quyền lợi cho người trồng lúa.

Theo nhận định của nông dân, việc triển khai chính sách thu mua tạm trữ vào thời điểm này là phù hợp và kịp thời với tình hình thực tế, bởi bà con đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân, nếu không có chính sách này chắc chắn nông dân sẽ bị thương lái ép giá. Còn những lần thu mua tạm trữ trước đây, do triển khai trễ, một số địa phương đã thu hoạch xong, phần lớn bán lúa tại ruộng nên chỉ có số ít nông dân thu hoạch trễ mới được hưởng lợi, riêng lần này thì có nhiều hộ được hưởng lợi hơn.

Chính sách thu mua tạm trữ trước mắt đã có nhiều tác động tích cực cho người nông dân, nhưng về lâu dài, nhiều người trong cuộc vẫn lo lắng tình trạng “được mùa, rớt giá” vì giá lúa lâu nay đều do các doanh nghiệp xuất khẩu nắm quyền “sinh sát”. Thực tế trong những năm qua cho thấy, cứ mỗi khi đến đợt triển khai thu mua tạm trữ thì một số doanh nghiệp cho giá lúa nhích lên, sau đó lại cho rơi xuống “vực thẳm”.

Một khía cạnh khác cũng cần quan tâm đó là việc các doanh nghiệp có làm tròn bổn phận của mình trong đợt thu mua tạm trữ lúa gạo lần này theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hay không. Bởi vì, vẫn có một số doanh nghiệp sau khi nhận chỉ tiêu và được hỗ trợ lãi suất đã viện đủ lý do để trả lại chỉ tiêu hoặc thu mua cho có, khiến nông dân bán lúa gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, bà con đang mong các ngành chức năng cần có giải pháp nhằm bình ổn giá, để niềm vui được mùa được giá kéo dài; tránh tình trạng được mùa, mất giá như những vụ lúa đã qua./.

Theo TTXVN

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)