Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hàng tiêu dùng trong nước: Tăng trưởng thiếu bền vững

Thứ năm, 07-01-2016 | 15:08:00 PM GMT+7 Bản in
Nhà sản xuất phải nỗ lực nhiều để đầu tư, nghiên cứu xem cách nào mở rộng ngành hàng thay vì chỉ cung cấp các yếu tố mới cho sản phẩm sẵn có. Đây chính là điều quan trọng để tạo ra sự sáng tạo đột phá nhằm mang lại một sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Ảnh minh họa

Giám đốc phát triển kinh doanh của một DN sản xuất nước giải khát trong nước phải thừa nhận, việc ngại đổi mới khiến cho ngành hàng tiêu dùng trong nước chỉ tăng trưởng trong một số giai đoạn nhất định khi có yếu tố khách quan tác động như thời điểm cuối năm hoặc khi sức tiêu thụ chung tăng.

Nhưng nếu nói đến yếu tố nội tại kích thích tăng trưởng do chính các DN tạo ra để gia tăng sức cầu đối với sản phẩm của mình thì dường như các DN trong nước còn chưa thực sự chú tâm.

Một phần do nguồn lực hạn chế cho đầu tư, sáng tạo, song phần nhiều chính là yếu tố ngại thay đổi khiến nhiều DN trong lĩnh vực này dù có được sự tăng trưởng trong giai đoạn trước mắt, song lại thiếu tính ổn định bền vững lâu dài khi môi trường cạnh tranh ngày một gia tăng.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) sản xuất nhiều loại hàng thiết yếu và có sức tiêu thụ khá tốt song phần lớn các sản phẩm khi ra thị trường vẫn tập trung vào những sản phẩm truyền thống và không có sự cải tiến nhiều về hình thức mẫu mã so với mọi năm như giò lụa vẫn gói trong loại bao bì màu xanh in hình lá chuối, lạp xưởng để trong hộp giấy đỏ in hình cành mai, đào (dịp tết)...

Theo nhận định của Giám đốc phát triển kinh doanh của một hệ thống siêu thị lớn tại TP. HCM, phần lớn các nhà sản xuất vẫn còn khá dè dặt khi tung ra sản phẩm mới lạ do vẫn còn trong giai đoạn thăm dò, chưa thực sự tin vào sự thay đổi của thị trường nên ngại đưa ra sản phẩm mới, sợ thị trường sẽ khó đón nhận.

Điều này được cho là khác xa so với cách tiếp cận khách hàng của những tập đoàn, công ty lớn ngành hàng tiêu dùng của nước ngoài. Bởi, ngoài việc chú trọng đến chất lượng, thì mẫu mã, bao bì luôn là yếu tố chinh phục “thượng đế” đối với các ông chủ ngoại.

Đơn cử như Nestle với nhiều loại sản phẩm sữa, đồ uống đóng chai, lon, hộp, gói giấy, gói nhựa... Bên cạnh các mặt hàng quen thuộc, nhiều người còn biết đến sản phẩm Nescafe khá lạ của công ty này dưới dạng lon uống liền khá sành điệu, hay sản phẩm kẹo KitKat bọc vàng như món quà biếu cho giới thượng lưu trong dịp lễ tết... Hay những loại thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống của một số DN ngoại khác thường lấy yếu tố mới lạ để hấp dẫn người mua ngay từ cái nhìn ban đầu.

Một khảo sát mới đây nhất của Công ty Nielsen Việt Nam chỉ ra rằng, ngành hàng tiêu dùng trong nước chỉ có mỗi lĩnh vực đồ uống có được sự tăng trưởng ổn định, còn lại tất cả các ngành hàng khác đều thể hiện sự tăng trưởng chậm chạp.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc Cấp cao Nielsen Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng ổn định của ngành hàng tiêu dùng phụ thuộc vào việc đáp ứng rất tốt ba xu hướng chính là yếu tố sức khỏe,  tiện lợi và  đổi mới. Đây là điều khó khăn với hầu hết các nhà sản xuất trong nước để xác định các yếu tố cần hoàn thiện nhằm mở rộng ngành hàng, đảm bảo sự tăng trưởng ổn định.

Theo phân tích, đối với các ngành hàng như thực phẩm và đồ uống, tiện lợi hiện diện dưới dạng bao bì, đóng gói nhỏ gọn, dành cho người dùng đơn lẻ. Điều này rất cần thiết cho việc mua hàng và tiêu thụ cá nhân. Còn đối với các ngành hàng như chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, tiện lợi là các sản phẩm luôn có sẵn ở nhà dưới dạng bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, sự sáng tạo, đổi mới đối với ngành hàng tiêu dùng đòi hỏi nhà sản xuất phải nỗ lực nhiều để đầu tư, nghiên cứu xem cách nào mở rộng ngành hàng thay vì chỉ cung cấp các yếu tố mới cho sản phẩm sẵn có. Đây chính là điều quan trọng để tạo ra sự sáng tạo đột phá nhằm mang lại một sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Tuyết Thanh (thời báo Ngân hàng online)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)