Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất là gì?
Hạn mức cấp giấy chứng nhận là mốc giới hạn cụ thể về diện tích để cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất.
Tuy là mốc giới hạn cụ thể về diện tích nhưng không đồng nghĩa với việc khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người dân chỉ được cấp giấy chứng nhận cho phần diện tích nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức. Thay vào đó người dân vẫn được cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích thửa đất nếu đủ điều kiện nhưng tiền sử dụng đất phải nộp khi diện tích được công nhận là đất ở nhỏ hơn và khi vượt hạn mức có sự khác nhau.
Hạn mức cấp giấy chứng nhận gồm có 02 loại hạn mức, tương ứng với 02 hình thức phổ biến mà người dân được cấp giấy chứng nhận đó là: Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất và hạn mức giao đất.
Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất giữa các tỉnh thành khác nhau
Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất và hạn mức giao đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định nên hạn mức cấp giấy chứng nhận giữa các tỉnh, thành khác nhau, được quy định cụ thể như sau:
Hạn mức công nhận đất ở
Khoản 4 Điều 103 Luật Đất đai 2013 quy định về hạn mức công nhận đất ở khi xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn ao như sau:
- Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18.12.1980 đến trước ngày 01.7.2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật này mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định như sau:
UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình phù hợp với tập quán ở địa phương theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình.
Hạn mức giao đất ở
Khoản 2 Điều 143 Luật Đất đai 2013 quy định:
Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.