Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hai dự án trùng hạng mục, giải quyết thế nào?

Thứ ba, 06-10-2020 | 16:23:00 PM GMT+7 Bản in
Trường hợp 2 dự án có đoạn tuyến trùng nhau, cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, cấp quyết định đầu tư cần xem xét, đánh giá nhu cầu, mục tiêu đầu tư, tính khả thi của từng dự án để lựa chọn giải pháp đầu tư cho đoạn tuyến bị trùng, từ đó có giải pháp điều chỉnh dự án cho phù hợp.

Ông Tô Hoàng Linh (Tuyên Quang) đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong công tác khảo sát thiết kế; công tác thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán công trình, cụ thể như sau:

Về công tác khảo sát thiết kế, dự án A được phê duyệt dự án đầu tư năm 2012, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán năm 2014. Dự án B được phê duyệt dự án năm 2015, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán năm 2016.

Thời điểm dự án B khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán năm 2016, thì dự án A chưa được bố trí vốn nên chưa triển khai thi công xây dựng.

Năm 2017, dự án A được bố trí vốn và triển khai thi công xây dựng, trong khi dự án A đang tổ chức thi công đào đắp nền đường, phát hiện có đoạn tuyến khoảng 4km mà cả dự án A và dự án B đều thiết kế và khi đó dự án A chưa tổ chức đấu thầu thi công xây dựng.

Sau khi phát hiện việc trùng tuyến chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh (người quyết định đầu tư), UBND tỉnh đã cho dừng thi công đoạn trùng thuộc dự án A (do dự án B quy mô đầu tư nền mặt đường rộng hơn dự án A), yêu cầu dự án B lập lại hồ sơ thiết kế điều chỉnh, trình thẩm định phê duyệt theo quy định.

Ông Linh hỏi, khi lập lại hồ sơ thiết kế điều chỉnh có phải lập hồ sơ khảo sát không?

Nếu phải lập hồ sơ khảo sát, trong hồ sơ khảo sát phải có chữ ký của những chức danh nào? Trường hợp những cá nhân có tên trong hồ sơ khảo sát trước đây không còn công tác, nay là những người khác tham gia khảo sát có được ký hồ sơ khảo sát không? Để được ký hồ sơ khảo sát phải đáp ứng các yêu cầu gì?

Chủ đầu tư có phải phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng và chịu trách nhiệm về kết quả phê duyệt của mình không?

Về công tác thẩm định phê duyệt thiết kế và dự toán công trình, trong quá trình thực hiện lập trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán công trình có gặp những vướng mắc tại các dự án công trình UBND TP. Tuyên Quang là người quyết định đầu tư, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định hồ sơ thiết kế và dự toán công trình, cụ thể:

Chủ đầu tư (ban quản lý dự án) trực tiếp làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế trong công tác lập hồ sơ thiết kế và dự toán công trình. Sau đó chủ đầu tư trình Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định hồ sơ thiết kế và dự toán. Có kết quả thẩm định chủ đầu tư mới trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

Khi chủ đầu tư trình phê duyệt, người quyết định đầu tư, bộ phận chuyên môn của người quyết định đầu tư phát hiện dự toán có một số sai sót như, thừa thiếu khối lượng so với thiết kế; áp định mức, đơn giá chưa phù hợp làm tăng kinh phí.

Ông Linh hỏi, người quyết định đầu tư có thể yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh dự toán và trình phê duyệt mà không phải trình thẩm định lại có được không, hay bắt buộc phải trình Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định lại?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Về công tác khảo sát, thiết kế xây dựng, theo nội dung văn bản của ông Tô Hoàng Linh thì dự án A và dự án B là hai dự án độc lập, dự án B được phê duyệt dự án và thiết kế bản vẽ thi công sau dự án A nhưng hai dự án có đoạn tuyến trùng nhau với quy mô nền mặt đường của dự án B rộng hơn dự án A.

Trong trường hợp này cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra việc trùng đoạn tuyến, cấp quyết định đầu tư cần xem xét, đánh giá nhu cầu, mục tiêu đầu tư, tính khả thi của từng dự án để lựa chọn giải pháp đầu tư cho đoạn tuyến bị trùng, từ đó có giải pháp điều chỉnh dự án cho phù hợp.

Căn cứ vào dự án điều chỉnh, trách nhiệm của mỗi bên và hồ sơ khảo sát đã có của hai dự án để quyết định sự cần thiết, phạm vi, nội dung khảo sát bổ sung.

Việc quản lý công tác khảo sát được quy định tại Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và các văn bản có liên quan khác.

Phải thẩm định bổ sung công việc chưa có trong dự toán

Về thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng, trường hợp hồ sơ dự toán đã thẩm định khi trình phê duyệt, cấp quyết định đầu tư hoặc cơ quan trực thuộc phát hiện một số thiếu sót về khối lượng so với hồ sơ thiết kế hoặc áp dụng định mức, đơn giá chưa phù hợp làm tăng kinh phí thì người quyết định đầu tư yêu cầu cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc giao chủ đầu tư tính toán chuẩn xác lại làm cơ sở xem xét, phê duyệt, không phải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định lại.

Riêng đối với các hạng mục công việc có trong thiết kế nhưng chưa có trong dự toán được thẩm định thì phải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bổ sung làm cơ sở trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Hai-du-an-trung-hang-muc-giai-quyet-the-nao/409586.vgp
Ý kiến bạn đọc (0)