Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

'Gom' doanh nghiệp nhà nước về một mối: Liệu có khả thi?

Thứ năm, 02-06-2016 | 15:14:00 PM GMT+7 Bản in
(TBTCO) - Một trong số những vấn đề đang có nhiều e ngại là tạo ra một cơ quan quyền lực mới, dồn quá nhiều nguồn lực về một đầu mối quản lý, làm phát sinh rủi ro...
DNNN

Nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình một cơ quan quản lý toàn bộ vốn Nhà nước tại DN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Trung, Phó ban Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM), đơn vị được giao soạn thảo nội dung này.

PV: Thưa ông, mô hình một cơ quan quản lý toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được xây dựng và cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vậy vấn đề nào được băn khoăn nhiều nhất?

Ông Phạm Đức Trung: Một trong số những vấn đề đang có nhiều e ngại là tạo ra một cơ quan quyền lực mới, dồn quá nhiều nguồn lực về một đầu mối quản lý, làm phát sinh rủi ro. Khi đó, thẩm quyền quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu quá lớn, nên người ta lo khi dồn quá nhiều tiền vào một nơi mà không có cơ chế giám sát phù hợp dễ dẫn đến rủi ro, mà rủi ro này ai chịu trách nhiệm thì không rõ. 

Để khắc phục vấn đề này, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ cơ quan quản lý vốn. Chính phủ sẽ thống nhất giám sát và phân công cho các bộ ngành tổ chức giám sát, tùy vào từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như trong lĩnh vực giao thông vận tải thì phải do Bộ Giao thông Vận tải giám sát, lĩnh vực tài chính, đầu tư, công thương… cũng tương tự.

Nghĩa là các bộ quản lý ngành giám sát cơ quan này chứ không trực tiếp giám sát DNNN thuộc quyền quản lý của mình nữa. 

 
 
SCIC hiện đang được giao quản lý các DN nhỏ. Với tư cách là cổ đông chi phối, SCIC cũng có đầy đủ các quyền, nhưng SCIC là một mô hình DN, còn mô hình mới thì không tương tự như vậy mà là một cơ quan. Nó không phải là cơ quan quản lý nhà nước cũng không phải là DN, mà là cơ quan thuộc Chính phủ...

PĐT 

Ông Phạm Đức Trung 
 

PV: Như vậy thì trách nhiệm báo cáo sẽ ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Đức Trung: Hàng năm, cơ quan này thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình hoạt động, tài chính, kinh doanh trước Quốc hội. Ngoài ra, Chính phủ đương nhiên cũng phải có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội.

Sau khi có Ủy ban này (theo dự thảo Nghị định thì cơ quan quản lý vốn có tên gọi là một Ủy ban), các DNNN sẽ không phải báo cáo các bộ quản lý ngành, cũng như Bộ Tài chính, mà chỉ phải báo cáo trực tiếp với Ủy ban.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý nhà nước thì vẫn có các bộ quản lý ngành quản lý hành chính nhà nước, báo cáo tách riêng theo quy định pháp luật khác.

PV: Một e ngại cũng được nhắc đến là sẽ tăng bộ máy hành chính. Liệu điều này có mâu thuẫn với nỗ lực tinh giản biên chế của chúng ta hiện nay? 

Ông Phạm Đức Trung: Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là thực hiện tinh giản biên chế nên ý kiến lo ngại tăng biên chế ăn lương ngân sách là có cơ sở.

Để tránh tăng biên chế, chúng tôi đang nghiên cứu để cho phép thừa hưởng các nguồn lực biên chế hiện có, từ bộ ngành và từ khối DN hiện nay. Đặc biệt là giảm mạnh chức danh trong Ủy ban để giảm thiểu số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

PV: Khi góp ý xây dựng dự thảo, có chuyên gia cho rằng số lượng DNNN sẽ giảm mạnh cùng với quá trình cổ phần hóa thì liệu có nhất thiết phải thành lập cơ quan này? Ông đánh giá thế nào về ý kiến này? 

Ông Phạm Đức Trung: Đây cũng là một ý kiến. Có người cho rằng Ủy ban này chỉ quản lý DNNN là không phải, Ủy ban này sẽ quản lý cả DNNN và phần vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, không phải tất cả DNNN mà chỉ có DN lớn và quan trọng hoạt động kinh doanh, còn DN công ích thì theo quan điểm của tôi là chưa chuyển về, vì hoạt động ở địa phương và do địa phương quản lý.

PV: Hiện nay chúng ta cũng đã có cơ quan quản lý vốn Nhà nước như là SCIC và họ cũng đã làm việc hiệu quả. Vậy tại sao chúng ta cần một cơ quan mới và khi thành lập cơ quan mới sẽ có ưu điểm gì hơn trước ?

Ông Phạm Đức Trung: SCIC hiện đang được giao quản lý các DN nhỏ. Với tư cách là cổ đông chi phối, SCIC cũng có đầy đủ các quyền, nhưng SCIC là một mô hình DN, còn mô hình mới thì không tương tự như vậy mà là một cơ quan. Nó không phải là cơ quan quản lý nhà nước cũng không phải là DN, mà là cơ quan thuộc Chính phủ.

Về mặt kinh tế thì đây là một bộ máy quản lý chuyên nghiệp, chuyên về quản lý đầu tư, sản xuất, kinh doanh sẽ hơn việc sử dụng bộ máy hành chính để quản lý việc này. Thực tế và lý luận đã chứng minh được việc này. Người làm hành chính không thể nào tốt bằng người chuyên nghiệp.

PV: Hiện nay, SCIC đang làm việc hiệu quả theo mô hình DN, nhưng lương của họ vẫn bị điều chỉnh như công chức, viên chức. Vậy làm sao để có thể khuyến khích tăng hiệu quả quản lý, đầu tư kinh doanh? 

Ông Phạm Đức Trung: Yêu cầu đặt ra là phải đổi mới đồng bộ, bao gồm cả chế độ đãi ngộ, tiền lương, tiền thưởng. Theo quan điểm của tôi, lương phải gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao. Như vậy hàng năm phải có đánh giá đối với cơ quan này hoàn thành hay không hoàn thành, mức độ hoàn thành, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn được giao thế nào.

Từ đánh giá này mới ra được chế độ tạo động lực của cả cơ quan. Ví dụ cơ quan được giao bao nhiêu ngàn tỷ đồng, Chính phủ phải đặt ra nhiệm vụ về tăng trưởng ra sao, hiệu quả thế nào, kế hoạch, mục tiêu ra sao, từ đó xác định lại xem ông có hoàn thành hay không, hoàn thành ở mức độ nào. 

Kinh phí hoạt động của Ủy ban sẽ lấy một phần từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có vốn nhà nước. Theo đề án của CIEM còn có một quỹ để quản lý việc này. Tuy nhiên, tất cả đều đang trong quá trình bàn bạc, lấy ý kiến. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo H.Y(Thời báo tài chính Việt nam)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)