Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Không phải ngẫu nhiên, mà một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập rất nhiều tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, là khó khăn của doanh nghiệp.
Cũng không phải ngẫu nhiên, mà mấy năm nay, kể cả sau khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi hậu đại dịch Covid-19, trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đề cập khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ về thị trường, dòng tiền, khiến sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, mà còn là những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Nỗi lo là có thật, bởi các báo cáo gần đây cho thấy, đầu tư tư nhân đang chững lại.
Năm ngoái, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chỉ đạt 1,919 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước và chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 - 2019.
Không những thế, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022. Sang năm 2024, thậm chí, lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Khi số doanh nghiệp sinh ra còn ít hơn cả số doanh nghiệp rút lui, thì rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Không chỉ về dòng tiền, hay thị trường, thể chế hay chính sách…, mà còn là vấn đề niềm tin. Thiếu niềm tin, doanh nghiệp không có đủ động lực để tiếp tục rót vốn đầu tư, kinh doanh. Doanh nghiệp yếu thì hẳn nhiên nền kinh tế cũng yếu, bởi sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình phát triển doanh nghiệp đã có chuyển biến tốt trong tháng 5 năm nay, đạt 20.000 doanh nghiệp/tháng. Nhờ vậy, sau 5 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đã đạt 98.825 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2019 - 2023. Con số này cũng cao hơn con số 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng qua, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù đó đúng là “một dấu hiệu hết sức tích cực”, nhưng cũng không thể phủ nhận, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Nói như các đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp tư nhân chính là “xương sống” của nền kinh tế. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến việc huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội. Bởi thế, để kéo nền kinh tế tiếp tục hồi phục và phát triển, gốc rễ vấn đề nằm ở việc gỡ khó cho doanh nghiệp. Chỉ khi gỡ khó được cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển, thì nền kinh tế mới có thể thực sự phục hồi và tăng tốc phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói, Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Tuy vậy, vấn đề hiện nay còn là làm sao tạo dựng được niềm tin của doanh nghiệp để họ tiếp tục dốc vốn vào đầu tư, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Theo đó, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế chính là một trong những vấn đề quan trọng góp phần tạo dựng và giữ vững lòng tin trong cộng đồng doanh nghiệp.
Và cũng không chỉ cần khơi thông tín dụng, khơi thông cơ chế…, mà cần các giải pháp tổng hòa để gỡ khó cho nền kinh tế, gỡ khó cho doanh nghiệp, từ tháo gỡ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đến thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và đầu tư…
Một bộ giải pháp tổng thể cần tiếp tục được thực thi và thúc đẩy nhằm đưa kinh tế Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu cao nhất trong năm 2024, mà cho cả giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Hà Nguyễn (Báo Đầu tư)
https://baodautu.vn/go-kho-cho-doanh-nghiep-d216405.html