Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Giải pháp nâng cao thương hiệu gạo Việt

Thứ tư, 10-02-2016 | 13:41:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực chỉ đạo triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó chú trọng xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu, quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh gửi ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

“Hiện nay ngành xuất khẩu gạo Việt Nam ngày càng khó khăn do tính cạnh tranh cao, trong khi giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp và việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt vẫn chưa hiệu quả. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá của Bộ trưởng trước thực trạng nêu trên và Bộ có giải pháp gì để tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, đầu tư khuyến nông để tăng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu và nâng cao thương hiệu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Cử tri và trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi chưa được cải thiện nhiều, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc sử dụng chất tạo nạc là chất cấm trong chăn nuôi đã nhập về Việt Nam như báo chí nêu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong việc quản lý Nhà nước và giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước thời gian tới ra sao?”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập như sau:

Đúng như đại biểu đã nhận định, tình hình thương mại gạo thế giới hiện đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh ngày càng gắt gao giữa các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và gần đây là Pakistan, Campuchia.

Việt Nam đã tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo từ năm 1989, trong bối cảnh một quốc gia đông dân, có diện tích trồng lúa không lớn. Việc phải bảo đảm an ninh lương thực cho trên 90 triệu người đã dẫn đến phải sử dụng các giống lúa có năng suất cao, nhưng chất lượng chỉ ở mức chấp nhận được. Do vậy, trên thực tế đã hình thành bộ giống lúa rất đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm sinh thái các vùng miền.

Tuy vậy, thực trạng đa dạng giống lúa đã gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Trong nhiều năm, Việt Nam xuất khẩu gạo chủ yếu ở nhóm phẩm cấp trung bình, đang vươn lên mức cao hơn.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo nghiên cứu tuyển chọn giống lúa để sản xuất ra gạo thương phẩm có giá trị cao, đạt được 600 – 800 USD/tấn trở lên; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm liên quan đến lúa gạo như: quy trình canh tác lúa tiên tiến phù hợp theo GAP, quy trình công nghệ sau thu hoạch (sấy, chế biến, bảo quản lúa gạo) quy mô công nghiệp... nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đồng thời, Bộ đang tích cực chỉ đạo triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu, quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, bảo đảm uy tín thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu và thương hiệu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới, Bộ đã và đang triển khai một số nhiệm vụ sau:

- Đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát và dự báo diễn biến tình hình thị trường, nắm vững các rào cản kỹ thuật và khả năng đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới như Trung Quốc, Hong Kong, Châu Phi, Hàn Quốc…

- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các hệ thống phân phối ở nước ngoài để phát triển các kênh phân phối cho mặt hàng này; hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu lúa gạo có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu (doanh nghiệp hạt nhân liên kết với nông dân và doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu tư vào để xây dựng các vùng lúa nguyên liệu). Phấn đấu nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020 tương đương với gạo Thái Lan trong cùng nhóm chất lượng.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá thương hiệu gạo Việt tới đông đảo người tiêu dùng trong nước và thế giới thông qua các hoạt động hội thảo, triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế.

Về việc quản lý chất cấm sử dụng trong chăn nuôi

Quản lý chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi là công việc chung của các ngành và các cấp liên quan, trong đó có các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế và Công an.

Việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo trong xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp chế và tổ chức triển khai đến các địa phương.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 57/2012/TT-BNNPTNT ngày 4/9/2012 quy định việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi và Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 4/9/2014 ban hành Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.

Bộ đã và đang chỉ đạo tích cực các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi, phát động các đợt cao điểm và tiến tới coi đây là việc làm thường xuyên một số nội dung sau:

- Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khoẻ cộng đồng, với uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay.

Phát động các phong trào tẩy chay, “nói không với chất cấm”; khuyến khích việc ký kết các cam kết không buôn bán, sử dụng chất cấm của các đối tượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi.

- Tổ chức các đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol tại: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong đó đặc biệt lưu ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, tự phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung; Các cơ sở, trang trại chăn nuôi; Các lò mổ; Các chợ. Hiện Bộ đang phối hợp với cơ quan công an truy tìm các đường dây buôn bán chất cấm để xử lý tận gốc.

- Xử lý thật nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định tại Nghị định119/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, Nghị định185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thông tư số 57/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.

Để đáp ứng kịp thời việc kiểm tra giám sát sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ định một số phòng thử nghiệm có năng lực phân tích các chất này tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Danh sách các phòng thử nghiệm được chỉ định đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ (www.mard.gov.vn) và Cục Chăn nuôi (www.cucchannuoi.gov.vn).

Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)