Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Ông Hoàng Đức Linh (Vĩnh Phúc) phản ánh, khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công quy định: Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công quy định dự án đầu tư công được phân loại như sau: (a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án; (b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này. Theo quy định này thì khái niệm dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng không bao gồm các dự án bảo trì, sửa chữa.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất quy định:
- Thông tư này điều chỉnh đối với kinh phí để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất theo quy định của Luật Xây dựng; kinh phí để thực hiện các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.
- Thông tư này không điều chỉnh đối với: Kinh phí để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; Xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở đã có; Các dự án sử dụng vốn đầu tư công; Các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có tính chất đặc thù đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật riêng.
- Kinh phí để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ các nguồn kinh phí sau: Nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên.
Căn cứ các quy định nêu trên, ông Linh hỏi: Đối với các dự án sửa chữa, bảo trì theo quy định của pháp luật xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước (nguồn chi thường xuyên) có phải là dự án đầu tư công hay không? Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất sử dụng vốn ngân sách nhà nước (nguồn chi thường xuyên) có phải thực hiện lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công hay không (có cùng đối tượng là cải tạo, nâng cấp theo khái niệm tại khoản 1 Điều 6) và loại dự án này có bắt buộc phải sử dụng nguồn vốn chi đầu tư phát triển hay được phép sử dụng cả nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn chi đầu tư phát triển?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Theo quy định, vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công. Tại khoản 6 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước đã quy định: “Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Theo đó, nguồn vốn chi thường xuyên không sử dụng để chi cho các dự án đầu tư (không còn khái niệm nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư).
Đồng thời, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 thì căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:
“a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;
b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.”
Theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, phạm vi điều chỉnh không bao gồm: “(1) Kinh phí để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; (2) Xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở đã có; (3) Các dự án sử dụng vốn đầu tư công; (4) Các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có tính chất đặc thù đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật riêng”.
Theo các quy định nêu trên, các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất là dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, phải thực hiện theo quy trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Các hoạt động sửa chữa, bảo trì dự án thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư hướng dẫn số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Du-an-nao-la-du-an-dau-tu-cong/408909.vgp