Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo phản ánh của ông Nam, hiện nay trên địa bàn huyện ông không có đơn vị nào có quyết định giao quyền tự chủ, nhưng nguồn kinh phí huyện giao cho các đơn vị có cả nguồn kinh phí tự chủ và kinh phí không tự chủ nên khi thanh toán với cơ quan kho bạc có nhiều vướng mắc. Ông Nam đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn trường hợp nêu trên.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Do ông Nam không cung cấp đầy đủ thông tin về loại hình cơ quan, đơn vị của ông là cơ quan Nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính hay đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ trong từng lĩnh vực sự nghiệp hay tổ chức hội, đoàn thể, tổ chức khác có sử dụng ngân sách Nhà nước... vì vậy, Bộ Tài chính chưa đủ thông tin để trả lời ông.
Tuy nhiên, trường hợp là cơ quan Nhà nước thuộc đối tượng thực hiện quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 thì phải lập quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định tại Nghị định này, Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 7/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước.
Tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV không quy định phải có quyết định giao quyền tự chủ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc phân bổ kinh phí ngân sách Nhà nước giao cho cơ quan Nhà nước trong trường hợp này giao thành 2 phần: Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ và kinh phí giao nhưng không thực hiện chế độ tự chủ để Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi theo quy định.
Theo Chinhphu.vn