Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Các doanh nghiệp kiến nghị bỏ yêu cầu cung cấp Giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ (Giấy C/O) đối với nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm. Trường hợp không bỏ Giấy C/O thì chỉ yêu cầu mẫu Giấy C/O của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề nghị, thời gian thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu thủy sản sống không quá 3 ngày, hiệu lực giấy phép là 1 năm để bảo đảm ổn định cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về vấn đề này như sau:
Về Giấy C/O, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và hiện đang giao cho Tổng cục Thủy sản xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT, trong đó có sửa đổi, bổ sung Điều 33 của Thông tư này theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm các yêu cầu về quản lý truy xuất nguồn gốc theo thông lệ và quy định chung.
Về thời gian thực hiện cấp phép, tại Khoản 4, Điều 33 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT quy định:
“4. Trình tự thực hiện:
a) Thương nhân đề nghị cấp phép nhập khẩu thủy sản sống gửi hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này đến Tổng cục Thủy sản.
b) Trường hợp gửi hồ sơ trực tiếp, Tổng cục Thủy sản tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn ngay cho thương nhân bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định. Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản và nêu rõ những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung (nếu có).
c) Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, đối với loài thủy sản chưa được đánh giá rủi ro, trong thời hạn 12 ngày làm việc Tổng cục Thủy sản thành lập Hội đồng đánh giá rủi ro và thực hiện đánh giá rủi ro. Hội đồng kết luận, kiến nghị các biện pháp quản lý rủi ro phải thực hiện đối với loài thủy sản sống không có khả năng trở thành vật dữ, xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại, đủ điều kiện nhập khẩu làm thực phẩm.
d) Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ khi có kết luận của Hội đồng đánh giá rủi ro, Tổng cục Thủy sản xem xét cấp phép nhập khẩu (theo Mẫu số 04/TS ban hành kèm theo Thông tư này) đồng thời phê duyệt Kế hoạch quản lý, giám sát lô hàng đối với loài thủy sản không có nguy cơ xâm hại, đủ điều kiện nhập khẩu dùng làm thực phẩm (theo mẫu số 06/TS ban hành kèm theo Thông tư này).
đ) Những lần nhập khẩu tiếp theo đối với thủy sản sống dùng làm thực phẩm đã có kết luận đánh giá rủi ro không có nguy cơ xâm hại, đủ điều kiện nhập khẩu dùng làm thực phẩm, trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này, Tổng cục Thủy sản xem xét phê duyệt Kế hoạch quản lý, giám sát lô hàng thủy sản sống và cấp phép nhập khẩu.
Thương nhân được phép nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm ngay sau khi có Giấy phép nhập khẩu của Tổng cục Thủy sản.
e) Trường hợp không cấp phép nhập khẩu, Tổng cục Thủy sản thông báo bằng văn bản đến thương nhân đề nghị nhập khẩu và nêu rõ lý do.
g) Tổng cục Thủy sản cập nhật và ban hành Danh mục thủy sản sống đã được đánh giá rủi ro, thông báo công khai trên website của Tổng cục Thủy sản và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
h) Giấy phép nhập khẩu và Kế hoạch quản lý, giám sát lô hàng thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm được Tổng cục Thủy sản cấp cho thương nhân đăng ký nhập khẩu, đồng thời gửi tới cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương có lô hàng nhập khẩu để tổ chức thực hiện giám sát”.
Như vậy, về thời gian thực hiện chia thành hai trường hợp: Nếu là nhập khẩu lần đầu thì thời hạn tối đa là 15 ngày làm việc; nếu những lần nhập khẩu tiếp theo thì thời gian tối đa là 3 ngày làm việc.
Qua kiểm tra các hồ sơ cấp phép, hầu hết hồ sơ đã bảo đảm đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, vẫn còn có một số hồ sơ xử lý còn chậm. Tổng cục Thủy sản đã chủ động quán triệt, chấn chỉnh cán bộ, công chức, đơn vị được giao thực hiện thủ tục hành chính tuân thủ đúng quy định về thời gian thực hiện.
Hiệu lực giấy phép nhập khẩu thủy sản dao động 3-12 tháng
Về vấn đề hiệu lực của giấy phép, tại Khoản 5, Điều 33 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT quy định, giấy phép nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm có giá trị cho toàn bộ lô hàng và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng giống, loài thủy sản sống nhưng không quá 1 năm kể từ ngày cấp.
Qua kiểm tra các hồ sơ cấp phép cho thấy, hiệu lực của giấy phép được quy định căn cứ theo năm tài chính hoặc căn cứ theo thời hạn còn lại trong năm hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp, do đó hiệu lực của giấy phép dao động từ 3 đến 12 tháng. Nội dung này không trái với quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ đã quán triệt, chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cấp giấy phép có thời hạn tối đa là 1 năm, trừ trường hợp doanh nghiệp có đề nghị cụ thể về thời gian hoặc có ý kiến của Hội đồng đánh giá rủi ro yêu cầu về thời hạn dưới 12 tháng để bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính thuộc chức năng của Bộ. Ý kiến góp ý của các doanh nghiệp là nội dung quan trọng trong quá trình rà soát, sửa đổi văn bản để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.