Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Thứ ba, 16-02-2016 | 10:41:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Trương Văn Vở, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về một số vấn đề liên quan đến việc đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời một số nội dung chất vấn như sau:

"Liên quan đến việc đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tại Nghị quyết 75/2014/QH13 (kỳ họp 7) và Nghị quyết 86/2014/QH13 (kỳ họp 8) của Quốc hội có yêu cầu:

- Nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước.

- Xây dựng phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết và bổ sung nội dung báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về giải pháp, lộ trình thời gian thực hiện thuộc trách nhiệm của Bộ như thế nào theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội".

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời Đại biểu Trương Văn Vở như sau:

Tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước

Tại Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XI về Đề án “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”, Ban Chấp hành Trung ương đã kết luận:

"Nghiên cứu hình thành tổ chức thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công giữa Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước cấp trên của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên mà không trực tiếp chỉ đạo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".

Đây là định hướng để tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Triển khai Kết luận số 50-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Theo đó đã quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, đồng thời cũng quy định cụ thể hơn các quyền, trách nhiệm của các Bộ tổng hợp (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội) trong việc thực hiện chức năng quản lý và phối hợp kiểm tra, giám sát theo lĩnh vực quản lý.

Đối với quản lý vốn Nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), trong đó quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 và Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 hướng dẫn Luật số 69/2014/QH13.

Các quy định trên đây đã thực sự tách chức năng chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tăng chi đầu tư phát triển

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng phương án sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính đã tính toán nguồn thu dự kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội về phương án sử dụng nguồn thu cổ phần hóa để tập trung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các dự án, theo đó, định hướng sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp năm 2015 và các năm tiếp theo (khoảng 100.000 tỷ đồng) vào các nội dung như:

- Chi hỗ trợ đầu tư bệnh viện tuyến Trung ương khoảng 20.000 tỷ đồng.

- Chi hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới khoảng 15.000 tỷ đồng.

- Chi hỗ trợ Chương trình chống ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10.000 tỷ đồng.

- Bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA trọng điểm do các Bộ, ngành, địa phương làm chủ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

- Xử lý hụt thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỷ đồng.

- Đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 khoảng 30.000 tỷ đồng để tăng chi đầu tư phát triển (Công văn số 774/BTC-TCDN ngày 22/9/2015 của Bộ Tài chính).

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án sử dụng nguồn thu và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, theo đó sử dụng để xử lý hụt thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỷ đồng và đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 khoảng 30.000 tỷ đồng để tăng chi đầu tư phát triển như đã nêu trên.

Hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước

Theo Bộ Tài chính, để nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước thì cần tập trung một số giải pháp sau:

- Tổ chức quán triệt tốt Kết luận số 50-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Đề án "tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước" và các Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (theo phân công của Chính phủ) sớm báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, từ đó có sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2012/NĐ-CP trên nguyên tắc phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm cụ thể của các đơn vị; đề xuất mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

- Hoàn thiện bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phù hợp với Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2012/NĐ-CP theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

- Các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quyền, trách nhiệm chủ sở hữu vốn Nhà nước theo quy định của Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.

- Tăng cường sự giám sát của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Việc cổ phần hóa DNNN, quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa gắn với quá trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn năm 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và định hướng giải pháp giai đoạn tới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước báo cáo tổng kết tình hình tái cơ cấu DNNN giai đoạn năm 2011-2015 để tổng hợp, xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tới (2016-2020). Theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan trong giai đoạn tới như sau:

- Hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước (trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP). Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN (thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

- Hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa (trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; ban hành các Thông tư sửa đổi, bổ sung cho phù hợp).

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình cổ phần hóa của doanh nghiệp đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí trong quá trình thực hiện; kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong việc thực hiện nộp tiền thu cổ phần hóa về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp để đảm bảo các nhu cầu chi theo phương án nêu trên đã được Quốc hội thông qua.

Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)