Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Doanh nhân tuổi Thân Trương Gia Bình: Chia sẻ câu chuyện lớn nhất cuộc đời

Thứ tư, 10-02-2016 | 13:22:00 PM GMT+7 Bản in
(HQ Online)- Theo quan niệm phương Đông, người tuổi Thân thường thông minh, tháo vát, là những người đa tài, đa nghệ nên bất cứ lĩnh vực nào họ tham gia đều đạt kết quả lớn.
Doanh nhân Trương Gia Bình. 

Doanh nhân Trương Gia Bình

Năm sinh: 1956

Quá trình học tập - công tác:

- 1979: Tốt nghiệp Khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow, Liên Xô cũ, nay thuộc Liên bang Nga

- 1991: Được nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư

- 1988-2009 và 2012 - 2013: Tổng Giám đốc Công ty FPT

- 1998-2005: Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam

- 2001 đến nay: Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)

- 2002 đến nay: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT

Những quan niệm này phải chăng được “vận ra” từ con người của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Luôn nằm trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán, vị doanh nhân sinh năm 1956 đã trải qua nhiều thăng trầm để làm người “thổi lửa và giữ lữa” cho một ngành còn nhiều mới mẻ và gian nan ở Việt Nam.

Đi lên từ những ý tưởng “viển vông và điên rồ”

Chắc hẳn, ai cũng sẽ ấn tượng với doanh nhân Trương Gia Bình qua nụ cười hết sức thoải mái đến hiền hòa của ông. Và hơn hết, mọi người còn bị ấn tượng bởi ông luôn là linh hồn, là người tập hợp lực lượng và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng vượt bậc của FPT.

Các định hướng chiến lược của ông thường rất khác biệt, thậm chí với một số người, những ý tưởng này bị cho là “viển vông, điên rồ”. Từ những năm 1980, khi đất nước còn nhiều khó khăn, Trương Gia Bình lúc ấy chỉ là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam với đồng lương “ba cọc ba đồng”. Với  mong muốn nuôi bản thân, gia đình và hướng tới khát vọng cao cả hơn là “góp phần hưng thịnh quốc gia”, giúp thế giới thay đổi cách nhìn đối với Việt Nam, ông đã cùng một số người bạn cùng chí hướng vừa làm khoa học vừa làm kinh doanh... và FPT được thành lập như thế.

Ông Trương Gia Bình cho hay, FPT khi ấy được thành lập với mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh bằng nỗ lực sáng tạo trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.

Sau hơn 10 năm  phát triển, ông lại đưa ra một định hướng chiến lược “khác biệt” cho FPT, đó là tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Khi ấy, khái niệm phần mềm còn xa lạ với đại đa số người Việt Nam, vậy mà ông đã định hướng FPT thành lập Trung tâm Xuất khẩu phần mềm (tiền thân của Công ty Phần mềm FPT– FPT Software) và kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam xem xuất khẩu phần mềm là một hướng đi mới. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận, FPT làm xuất khẩu phần mềm thời điểm đó vô cùng khó khi không có kinh nghiệm, không có tên trên thị trường thế giới. Thứ mà FPT có thể mang ra thuyết phục khách hàng chỉ là khát vọng, niềm tin “người Ấn Độ, Trung Quốc làm được thì người Việt Nam cũng làm được”. Và đây cũng chính là chìa khóa giúp FPT có được thành công trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm như ngày hôm nay.

Từ đó, bằng năng lực và đam mê của mình, ông cùng đồng nghiệp đã biến một công ty với số vốn ban đầu chỉ khoảng 600 USD thành Tập đoàn hùng mạnh, có hơn 25.000 nhân viên, hiện diện tại 19 quốc gia trên thế giới và doanh thu dự kiến năm 2015 đạt 39.600 tỷ đồng.

Trong năm tuổi của mình, ông cùng FPT đặt ra thông điệp mới là “Đổi mới để tăng trưởng” với việc coi 2016 và các năm tiếp theo là những điểm ngoặt của FPT. Doanh nhân Trương Gia Bình khẳng định: “Chúng tôi sẽ liên tục cải tiến về mô hình tổ chức, mô hình kinh doanh để nắm bắt tốt nhất các cơ hội mới từ thị trường trong nước và nước ngoài. Chẳng hạn như mở rộng hoạt động kinh doanh từ thương mại sang đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) cho một số thị trường như Myanmar, Bangladesh... Chúng tôi cũng sẽ tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp dịch vụ theo xu hướng công nghệ S.M.A.C (hỗ trợ và tích hợp mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây), IoT (Internet of Things) cũng như ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ này vào trong tất cả các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn”.

Con người của sức trẻ và công việc

Đi sát cùng sự trưởng thành của một Tập đoàn 27 tuổi, doanh nhân Trương Gia Bình là một “cây đại thụ” trong một tổ chức nghề nghiệp với những nhân viên tuổi đời còn khá trẻ. Nhưng ở ông, người ta luôn cảm nhận được một nguồn năng lượng không giới hạn. Với ông, tuổi đời không tỷ lệ thuận với tinh thần trong công việc.

Chính vì thế, ông đã góp phần “tiếp nguồn sinh khí”, xây dựng nên môi trường làm việc với những điều kiện để mọi người ở mọi lứa tuổi được là chính mình, được sống và làm việc như những gì họ vốn có, chấp nhận cả mặt mạnh, mặt yếu, cả điểm tốt và chưa hoàn thiện, nhằm thực hiện những hoài bão của mình. “Ở FPT, cấp dưới có thể nói thẳng với cấp trên, không phân biệt vị trí cao thấp, quan hệ thân sơ. Lãnh đạo FPT phải xây dựng niềm tin trong nhân viên và để nhân viên làm việc hết mình. Trên hết, chúng tôi tin vào giá trị cốt lõi của FPT, chúng tôi tin vào sức mạnh, không chỉ của một vị Chủ tịch hay Tổng giám đốc nào cả”, ông Bình nói.

Hơn nữa, cái tuổi của vị doanh nhân này không cho phép ông nghỉ ngơi. Bởi với ông, FPT là câu chuyện lớn nhất của cuộc đời, đã nắm trọn cả những khoảng thời gian giải trí, gặp gỡ bạn bè cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Có lẽ đối với tôi, vận động đầu óc, tư duy cũng được xem là một cách tập thể dục tốt”, ông Bình dí dỏm nhận xét.

Không chỉ là người “thổi lửa và giữ lửa” cho FPT, ông còn là người luôn đau đáu với sự phát triển của thế hệ trẻ tài năng. Theo ông, giữa thế hệ doanh nhân đi trước như ông và thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay đều có những phẩm chất và lợi thế riêng rất khó để so sánh. Đặc biệt, xuất phát điểm của 2 thế hệ cũng đã tạo nên sự khác biệt rất lớn. Ông chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi sinh ra trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nên tư duy thiên về sinh tồn, khả năng vượt khó cùng những khát vọng và hoài bão rất lớn. Chúng tôi được hưởng thụ sự giáo dục về niềm tự hào dân tộc. Vì thế chúng tôi không chỉ mong muốn làm giàu cho mình, mà còn muốn làm sao để quốc gia được hưng thịnh. Còn thế hệ trẻ sinh ra trong cuộc sống đầy đủ hơn, và có nhiều điều kiện để học hành nhiều hơn nên sẽ thiên về tư duy quản trị, đặc biệt, họ có lợi thế về kế hoạch, kinh doanh, marketing hay tài chính”.

Tuy nhiên, ông cho hay, thế hệ doanh nhân trẻ có khát vọng làm giàu rõ ràng, nhưng đa phần khát vọng ấy vẫn chưa vượt ra được khỏi “lập nghiệp” để trở thành “khởi nghiệp”. Vấn đề, theo tôi là cần phải có sự liên kết giữa hai thế hệ để tạo thành một “Sức mạnh Việt Nam”. Khi đó chúng ta sẽ có cơ hội để đi theo con đường của một quốc gia khởi nghiệp.

Cũng theo vị doanh nhân tuổi Bính Thân này, “lĩnh vực công nghệ thông tin có muôn vàn cơ hội, bạn hãy cứ ước mơ, hãy cứ kiếm tìm và khi tìm thấy hãy làm thấu đáo. Một người có thể học hỏi người khác để tìm ra con đường riêng cho mình, nhưng cũng có thể tự vạch ra một cách đi riêng. Nhưng dù bằng cách nào, điều quan trọng vẫn là may mắn và thành công chỉ dành cho những người dũng cảm liên tục tìm kiếm con đường đi riêng cho chính mình. Đây cũng chính là phẩm chất cần phải có của một doanh nhân: đam mê, sáng tạo và chu đáo.”

Hương dịu (Báo Hải quan)

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)