Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Ảnh minh họa
Doanh nghiệp tư nhân của bà Nguyễn Ngọc Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) được thành lập từ năm 1994, ngành nghề chính là kinh doanh vàng, nữ trang và dịch vụ cầm đồ. Trước đây, doanh nghiệp của bà đã được phép tự in hóa đơn GTGT với số lượng 1.000 hóa đơn, sử dụng cho dịch vụ cầm đồ. Hiện doanh nghiệp sử dụng được trên 200 số. Vừa qua, bà Hạnh có tham khảo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính và được biết doanh nghiệp phải có vốn điều lệ trên 15 tỷ đồng mới được tự in hóa đơn.
Bà Hạnh hỏi, số hóa đơn còn lại của doanh nghiệp bà phải xử lý thế nào? Khách hàng của doanh nghiệp đa số là khách lẻ, không có nhu cầu lấy hóa đơn, những khách có yêu cầu thì công ty xuất hóa đơn bán hàng với mẫu thiết kế sẵn trong phần mềm kế toán. Vậy, doanh thu công ty có được chấp nhận không? Công ty bà có thể tiếp tục sử dụng hóa đơn trên hay phải mua hóa đơn bán hàng của cơ quan thuế?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Quy định đối tượng mua hóa đơn
Căn cứ khoản 1, Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hướng dẫn đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế: "Cơ quan thuế bán hóa đơn cho các đối tượng sau:
a) Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
b) Hộ, cá nhân kinh doanh;
c) Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu.
d) Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế;…”.
Quy định về lập hóa đơn
Tại điểm b, Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về lập hóa đơn: “Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động…”.
Tại khoản 2 Điều 32 Thông tư nêu trên quy định hiệu lực thi hành: “Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đang sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nếu không thuộc đối tượng chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn thuộc đối tượng được tạo hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in.
Đối với hóa đơn đặt in, tự in doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính thì được tiếp tục sử dụng ”.
Tại Điểm 2.1 Phụ lục 4 quy định lập hóa đơn bán hàng: “Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
Trường hợp tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế nhưng có hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng cho hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý.”.
Xác định thu nhập chịu thuế
Căn cứ Điều 3 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau:
“a) Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
b) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC.
c) Đối với hoạt động vận tải hàng không là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vận chuyển cho người mua.
d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp của bà Hạnh có vốn điều lệ dưới 15 tỷ đồng đang sử dụng hoá đơn tự in trước ngày Thông tư số 39/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/6/2014) nếu không thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC thì vẫn thuộc đối tượng được tạo hóa đơn tự in.
Về việc lập hóa đơn trong trường hợp người mua không có yêu cầu lấy hóa đơn về nguyên tắc nếu giá trị hàng hóa dưới 200.000 đồng thì đơn vị được lập một hóa đơn tổng vào cuối ngày theo bảng kê bán hàng đính kèm, nếu giá trị hàng hóa, dịch vụ mua trên 200.000 đồng một lần thì vẫn phải lập hóa đơn trên hoá đơn ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Thanh Thủy (diễn đàn cạnh tranh QG)