Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

DN Việt tự tin trước TPP: Tỷ lệ áp đảo bất ngờ

Thứ năm, 25-02-2016 | 15:18:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Khi được hỏi về mức độ sẵn sàng hội nhập và cạnh tranh, hơn 80% doanh nghiệp tự tin khẳng định họ đã chuẩn bị đầy đủ và/hoặc tương đối đầy đủ.
Đây là kết quả khảo sát các doanh nghiệp có tên là Fast 500 - báo cáo về 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2016, do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam Vietnam Report thực hiện trong tháng 1/2016 và công bố hôm 24/2.

Khảo sát mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trước sự kiện Hiệp định TPP được ký kết

Kết quả nói trên khá bất ngờ, khi một số khảo sát trước đây cho thấy tỷ lệ khá cao các doanh nghiệp không biết, không nắm được thông tin về TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Một khảo sát của VCCI cho biết 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong khi một khảo sát khác khẳng định có tới 40,9% doanh nghiệp không biết TPP.

76% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh

Cũng theo báo cáo Fast 500, những kết quả kinh doanh khởi sắc đã đạt được trong cả một chặng đường dài từ năm 2011 đến năm 2015 kết hợp với các dự báo kinh tế khả quan trong năm 2016, và đặc biệt là triển vọng thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế TPP và AEC, là cơ sở đáng tin cậy làm tăng thêm niềm tin và kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp Việt.

Hơn 76% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh nhằm tận dụng tối đa những cơ hội tăng trưởng mới, 22,1% số doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh như năm trước, trong khi chỉ 1,6% doanh nghiệp có ý định thu hẹp quy mô kinh doanh. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới.

Trong đó, 3 ưu tiên chính mà các doanh nghiệp tham gia khảo sát chủ yếu tập trung hướng đến bao gồm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận; cắt giảm chi phí và tiếp tục giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ mới, với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 89,8%; 64.4% và 59,3%.

Theo Ban tổ chức, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt sẽ có cơ hội lớn mạnh hơn nữa, trở thành doanh nghiệp triển vọng xuất sắc trong thời gian tới. Khi đó sân chơi của các doanh nghiệp lớn sẽ trở nên sôi động hơn bởi sự xuất hiện của các doanh nghiệp không chỉ mạnh mà còn nhanh và nhạy.

Rào cản tăng trưởng đã được loại bỏ

Báo cáo nhận định rằng nếu trong giai đoạn 2010 – 2013, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam chỉ đạt 31,1%, được nhận định là giai đoạn kinh doanh khó khăn nhưng dần ổn định, thì sang giai đoạn 2011 – 2014, rào cản tăng trưởng đã được loại bỏ, tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các doanh nghiệp Fast 500 nhích lên mốc 34%.

Kế hoạch dự kiến của doanh nghiệp trong năm 2016
Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và dần lấy lại đà tăng trưởng của mình, kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn kế tiếp.

Xét về loại hình doanh nghiệp, thế cân bằng đang dần được tạo lập khi khoảng cách tăng trưởng của các khối doanh nghiệp FDI, tư nhân và nhà nước đã được thu ngắn lại. Khối tư nhân vẫn dẫn đầu tăng trưởng, tuy nhiên CAGR trung bình giảm xuống còn 35,7%. Khối FDI duy trì đàtăng trưởng tốt, đạt mức 34,1%. Khối nhà nước tăng trưởng hơn 28% cho thấy hiệu quả hoạt động đang được cải thiện dù chậm hơn so với các khu vực kinh tế khác.

Riêng trong năm 2015, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp thể hiện qua 2 tiêu chí: doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng cao hơn so với năm 2014. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy các doanh nghiệp đã thoát đáy suy thoái và chuẩn bị bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý đã từng có nhiều doanh nghiệp khi nhận thấy cơ hội tăng trưởng thì vội vã đầu tư, tăng vốn hoạt động, mở rộng thị trường… trong khi chưa lường hết khó khăn trước mắt, dẫn đến nợ nần, thua lỗ, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản.

Vì vậy, để tránh bẫy “tăng trưởng nóng”, các doanh nghiệp rất cần tỉnh táo lựa chọn phương án hoạt động phù hợp, nâng cao năng suất sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng cường hiệu quả hoạt động marketing, cân đối đầu tư hợp lý, chủ động đối phó những bất ổn tiềm tàng.

Cần nhất giảm thuế và cải cách thủ tục

Khảo sát về kỳ vọng của doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo cho thấy, việc tiếp tục điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNCN nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh là giải pháp được các doanh nghiệp mong đợi nhất trong thời gian tới với hơn 80% đại diện doanh nghiệp Fast 500 tham gia khảo sát đồng tình lựa chọn.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giảm lãi suất tín dụng cũng là nhữngđề xuất được đa phần các doanh nghiệp lựa chọn với tỷ lệ lựa chọn tương đương nhau xấp xỉ 75%.

“Có thể thấy, niềm tin tăng trưởng của các doanh nghiệp Fast 500 nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang ấm dần lên”, Ban tổ chức nhận định.

Hà Chính (Cạnh tranh quốc gia)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)