Đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm là gì?
Điểm a Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất trồng cây hàng năm bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
Đất trồng lúa theo Khoản 1,2,3,4 Điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP là loại đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm) và đất trồng lúa khác (đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương).
Đất trồng cây hàng năm theo Khoản 8 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 1 năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc để thu hoạch không quá 5 năm.
Điều kiện chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định điều kiện chuyển từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản:
- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không được làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.
- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của xã, phường, thị trấn, đảm bảo công khai, minh bạch.
- Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
- Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 1,2m, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.