Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20/2017/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/ 22017quy định về nguyên tắc khấu trừ chi phí hợp lý đối với giao dịch liên kết.

Thứ bẩy, 16-09-2019 | 16:21:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20/2017/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/ 22017quy định về nguyên tắc khấu trừ chi phí hợp lý đối với giao dịch liên kết.

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản

Công văn: 2099/ PTM - KHTH, Ngày: 16/09/2019

Nội dung kiến nghị:

Liên quan đến đến Nghị định 20 (Nghị định 20/2017/ND-CP) do Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 2 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2017, Hiệp hội có một số ý kiến đề xuất như sau:

 Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20 quy định về nguyên tắc khấu trừ chi phí hợp lý đối với giao dịch liên kết, theo đó tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế sẽ không được trừ khi xác nhận thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 8. Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù

Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Vì Nghị định 20 không nêu rõ về phạm vi áp dụng, nên mặc dù có Công văn 3790 của Tổng cục Thuế ban hành vào tháng 10 năm 2018 nêu rõ việc áp dụng quy định khấu trừ chi phí hợp lý ngay cả trong trường hợp không có khoản vay từ các bên liên kết (trường hợp chỉ vay của bên độc lập) nếu có các giao dịch khác với bên liên kết , một số công văn trả lời của các Cục thuế địa phương lại đưa ra các cách nhận định không đồng nhất với ý kiến trên.

Trước hết, Hiệp hội hiểu Điều 8 là quy định đối với “doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù ", nên có thể nói rằng nhận định về việc chỉ cần có một giao dịch phát sinh với bên liên kết thì lãi vay phát sinh với bên độc lập cũng sẽ phải tuân thủ quy định trên là không hợp lý. Hiệp hội cho rằng cần làm rõ về “giao dịch liên kết đặc thù”.

 Các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam rất lo ngại về phạm vi áp dụng không rõ ràng của quy định cũng như về khả năng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp bị tăng lên do quy định khấu trừ này. Hiệp hội cũng nghe nói rằng có nhiều công ty Việt Nam cũng đã phàn nàn về quy định này.

 Lãi vay khi thực hiện vay nước ngoài sẽ thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu nước ngoài, còn lãi vay khi vay trong nước sẽ thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tiền lãi nhận được của bên cho vay. Nếu quy định không cho phép khấu trừ sẽ phát sinh việc đánh thuế hai lần trên cùng một thu nhập. Việc đánh thuế hai lần này khiến cho gánh nặng với các doanh nghiệp trở nên lớn hơn, và từ quan điểm cạnh tranh công bằng trên thị trường, Hiệp hội cho rằng đó là một điều không mong đợi.

 Ý nghĩa của việc cạnh tranh thị trường công bằng đó là, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn tài chính ít hơn sẽ có tỷ lệ phụ thuộc cao vào các khoản vay vốn kinh doanh từ bên độc lập, việc tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp do các quy định này sẽ tác động và làm mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quy định này ưu đãi các doanh nghiệp lớn mạnh về tài chính cũng như có tỷ lệ vay từ bên độc lập thấp, nó đi ngược lại chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các ngành công nghiệp hỗ trợ đang được thúc đẩy bởi chính phủ Việt Nam.

 Ngoài ra, với các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng đòi hỏi một khoản tiền lớn cho đầu tư ban đầu thì việc huy động vốn bằng cách vay vốn từ bên độc lập là không thể thiếu. Nếu vì quy định này dẫn đến chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong kinh doanh cơ sở hạ tầng tăng cao, thì để thu hồi chi phí doanh nghiệp sẽ phải nâng đơn giá dịch vụ, kết quả sẽ là tăng thêm gánh nặng cho người dân Việt Nam trong tương lai. Hiệp hội hiểu rằng chính phủ Việt Nam hiện đang có xu hướng thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng qua hình thức PPP, nhưng khi số lượng các dự án cơ sở hạ tầng được thực hiện bởi PPP như hình thức BOT càng tăng lên thì gánh nặng của người dân trong tương lai sẽ càng lớn.

 Hơn nữa, nhiều trường hợp các công ty khởi nghiệp cần phải vay vốn, và ngay cả khi công ty đó có phát sinh lợi nhuận trước thuế thì cũng có thể bởi quy định này mà khi tính lợi nhuận sau thuế lại bị lỗ. Các quy định như vậy đặc biệt làm giảm động lực kinh doanh của các công ty mới và ảnh hưởng xấu đến việc phát triển thuận lợi nền kinh tế.

 Có thể thấy rằng việc áp dụng quy định này đối với cả chi phí lãi vay từ bên độc lập khi mà tại Việt Nam vẫn có nhu cầu huy động vốn như trên trong thực tế thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn.

 Vì vậy, Hiệp hội xin được đề xuất như sau:

- Từ mục đích của Kế hoạch hành động BEPS 4 về việc chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển một lượng lớn lợi nhuận sang những nước có mức thuế suất thấp hơn tương đối giữa các công ty trong tập đoàn, chúng tôi cho rằng áp đặt qui định này lên lãi phát sinh từ việc vay từ bên độc lập là không hợp lí, vì vậy kính mong Bộ Tài chính vui lòng làm rõ những qui định ngoại lệ về chi phí lãi phát sinh từ khoản vay từ bên độc lập, cũng như khoản vay từ bên độc lập mà được bảo lãnh bởi bên liên kết thông qua nghị định hay công văn.

- Về vấn đề lãi vay của các bên liên kết, việc áp dụng điều luật này giống nhau cho tất cả các doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc phát sinh sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp có đặc thù kinh doanh khác nhau hoặc giữa các doanh nghiệp cùng ngành nhưng đang ở giai đoạn tăng trưởng khác nhau. Hiệp hội quan ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến quan điểm về thị trường cạnh tranh công bằng, vì vậy chúng tôi muốn đề xuất việc bổ sung một số trường hợp ngoại lệ tại Luật sửa đổi

+ Không áp dụng trong 5 năm tính từ thời điểm phát sinh doanh thu đầu tiên sau khi thành lập.

+ Tăng tỷ lệ giới hạn của EBITDA lên 30%.

+ Cho phép chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau trong trường hợp chi phí lãi vay bị loại theo quy định trên.

 Ngoài ra, trong dự thảo mới nhất của Luật thuế sửa đổi, so với dự thảo trước đây thì phần qui định về vốn mỏng đã bị xóa bỏ, rất mong Bộ Tài chính có thể giải thích lý do cho Hiệp hội.


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính; Văn phòng Chính phủ

Công văn: 12931/ BTC - TCT; 407/TB - VPCP, Ngày: 28/10/2019

Nội dung trả lời:

        Bộ tài chính nhận được công văn số 8631/VPCP - DMDN ngày 25/09/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ tài chính giải quyết kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản tại công văn số 2099/PTM - KTTH ngày 16/09/2019 của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam liên quan đến nội dung kiến nghị về quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ - CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ. Về việc này, Bộ tài chính có ý kiến như sau:

       Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Bộ tài chính đang tổng hợp các nội dung vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình triển khai áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ - CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ, thực hiện phân tích, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất phương án để báo cáo Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan theo đúng trình tự và thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

        Bộ tài chính ghi nhận ý kiến đóng góp của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản để nghiên cứu đề xuất giải pháp và báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ - CP nêu trên.

        Bộ tài chính thông báo để quý đơn vị được biết.

  • Văn phòng chính phủ:

Khoản 3 Điều 8 còn chưa thực sự hợp lý, gây khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp, nên cần tiến hành sửa đổi ngay Nghị định 20 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Ý kiến bạn đọc (1)