Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Tên kiến nghị: Đề nghị cải thiện chính sách khuyến khích điện bã mía mà quan trọng nhất là nâng giá mua điện lên như điện sinh khối: Hiệp hội đã có công văn số: 83/CV-HHMĐ, ngày 09/12/2016, gởi Thủ tướng Chính phủ, về việc giá bán điện đồng phát từ bã mía. Hiệp hội Mía Đường Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh lại giá điện đồng phát từ bã mía của các nhà máy đường đầu tư đấu nối lưới điện được tính một giá thống nhất là giá điện sinh khối mà không phân thành hai loại giá như hiện nay.
Tình trạng: Đã phản hồi
Đơn vị kiến nghị: Hiệp hội mía đường Việt Nam
Công văn: 0874/PTM-VP, Ngày: 20/04/2017
Nội dung kiến nghị:
Tồn tại, khó khăn, vướng mắc:
- Quy hoạch mía đường: Việc thực hiện Quy hoạch chưa thực sự nghiêm túc, nhiều nơi không hình thành được vùng nguyên liệu như quy hoạch, nhiều nơi bị phá vỡ.
- Quy chuẩn chất lượng nguyên liệu mía: Chưa thực hiện thật sự nghiêm túc, chưa giám sát và thực hiện triệt để việc xác định chữ đường (CCS), để tạo sự công bằng và góp phần nâng cao chất lượng mía nguyên liệu.
- Đấu giá hạn ngạch thuế quan: một số đề nghị của Hiệp hội chưa được chấp thuận: đề nghị nhập 100% đường thô hoặc tỉ lệ đường thô cao hơn đường tinh luyện, để tạo việc làm cho các nhà máy đường luyện trong nước.
- Gía thành nguyên liệu mía cao: do diện tích mía nhỏ lẻ, nhiều diện tích mía là vùng đồi núi, không có nguồn nước tưới, nên không thể áp dụng các biện pháp thâm canh đưa đến năng suất mía thấp, chất lượng mía thấp so với các nước trồng mía trong khu vực.
- Cạnh tranh không lành mạnh trong giá thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp vẫn tồn tại do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đưa giá mía nguyên liệu tăng cao (cao nhất là khu vực ĐBSCL).
- Sản xuất các sản phẩm cạnh đường, sau đường như bánh kẹo, cồn, rượu, phân vi sinh, điện bã mía... để góp phần hạ giá thành sản phẩm chính là đường chưa được khai thác hiệu quả vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về chính sách, gía điện nối lưới từ đồng phát nhiệt điện ở nhà máy đường hiện nay thấp không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.
- Biến đổi khí hậu: hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng mía.
- Tình trạng buôn bán đường lậu vẫn diễn biến phức tạp, đường nhập lậu từ biên giới Campodia không thể ngăn chặn triệt để được, hiện nay gía đường nội địa bị chi phối bởi đường lậu Thái Lan.
Đơn vị phản hồi: Bộ Công thương
Công văn: 4044/BCT - KH, Ngày: 09/05/2017
Nội dung trả lời:
Về nội dung của kiến nghị này, Bộ Công Thương đã trả lời 05 Công ty sản xuất điện đồng phát nhiệt điện từ bã mía tại Công văn số 11482/BCT-TCNL ngày 30 tháng 11 năm 2016 cũng như Hiệp hội mía đường Việt Nam tại Công văn số 119/TCNL-NLTT ngày 16 tháng 01 năm 2017 với nội dung chính như sau:
- Trong quá trình xây dựng giá bán điện của các dự án điện sinh khối đồng phát nhiệt điện, Bộ Công Thương đã được tư vấn quốc tế, tư vấn trong nước khảo sát, tính toán trên cơ sở giá thành sản xuất điện quy dẫn trên cơ sở giá thành sản xuất thực tế của các dự án này và có khuyến khích các nhà máy đường nâng cao hiệu suất nhằm tăng sản lượng điện đồng phát.
- Sau khi Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam có hiệu lực, trong giai đoạn 2015-2016, đã có 8 nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt điện với công suất khoảng 170 MW chuyển sang ký hợp đồng mua bán điện theo giá 5,8 UScent/kWh và có 3 nhà máy với tổng công suất 172 MW đang trong quá trình xây dựng để bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá trên. Giá bán điện mới của các nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt điện đã cao hơn giá bán điện cũ từ 1-1,5 UScent/kWh. Hiện tại, Bộ Công Thương chưa thấy có cơ sở để điều chỉnh giá mua điện từ các nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt điện.