Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại việc tồn tại Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích - DVVTCI. Trong trường hợp phải đóng góp vào quỹ, cần giới hạn các dịch vụ viễn thông phải đóng góp, xác định lại những dịch vụ không phải đóng góp (ưu tiên những nhiệm vụ chính của nền kinh tế số). Số tiền đóng góp (trong trường hợp không bắt buộc đóng) không dựa vào doanh thu của doanh nghiệp. Kiến nghị cụ thể như sau: trong giai đoạn 2010-2015, Quỹ DVVTCI chỉ đóng góp từ dịch vụ voice. Dịch vụ này không là dịch vụ của nền kinh tế số. Do vậy, FPT đề nghị mức đóng góp vào Quỹ DVVTCI giai đoạn 2015-2020 dựa trên doanh thu của dịch vụ voice, được tượng trưng và công bằng như các giai đoạn trước.

Thứ sáu, 28-10-2016 | 15:52:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại việc tồn tại Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích - DVVTCI. Trong trường hợp phải đóng góp vào quỹ, cần giới hạn các dịch vụ viễn thông phải đóng góp, xác định lại những dịch vụ không phải đóng góp (ưu tiên những nhiệm vụ chính của nền kinh tế số). Số tiền đóng góp (trong trường hợp không bắt buộc đóng) không dựa vào doanh thu của doanh nghiệp. Kiến nghị cụ thể như sau: trong giai đoạn 2010-2015, Quỹ DVVTCI chỉ đóng góp từ dịch vụ voice. Dịch vụ này không là dịch vụ của nền kinh tế số. Do vậy, FPT đề nghị mức đóng góp vào Quỹ DVVTCI giai đoạn 2015-2020 dựa trên doanh thu của dịch vụ voice, được tượng trưng và công bằng như các giai đoạn trước.

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty Cổ phần FPT

Công văn: , Ngày: 17/08/2016

Nội dung kiến nghị:

Công ty FPT đã nhận được công văn của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích (Quỹ DVVTCI) về việc đóng góp Quỹ cho giai đoạn 2015-2020. Theo đó, mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng vào quỹ DVVTCI là 1,5% doanh thu các dịch vụ viễn thông. So với trước đây, mức đóng góp và đối tượng đóng góp cho Quỹ DVVTCI đã thay đổi đáng kể.

1) Quy định hiện thời về đóng góp cho Quỹ DVVTCI

Ngày 24/07/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg thay thế cho Quyết định số 1643/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Mục tiêu của chương trình là: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng cho vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ việc sử dụng viễn thông công ích và đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo điều hành chống thiên tai, đảm bảo các trường học, UBND cấp xã được truy cập Internet băng rộng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu số hóa truyền hình mặt đất.

Nguồn vốn của Chương trình hoàn toàn dựa trên nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra Quỹ này không được thu về nộp ngân sách nhà nước mà do Quỹ DVVTCI (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp nhận và điều hành. Theo đó, mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích như sau:

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng là 1,5% doanh thu các dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 9 Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông.

2) Quỹ DVVTCI và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Mỗi công dân, doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm với xã hội, với các thành viên khác. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc mỗi công dân và doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập. Tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Với công dân, thuế thu nhập cá nhân được đóng theo tỷ lệ lũy tiến với mức cao nhất là 35%. Ngoài thuế thu nhập, công dân và doanh nghiệp còn có trách nhiệm đóng góp các nghĩa vụ khác như thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt (cho tiêu thụ bia, rượu, thuốc lá…), các loại thuế-phí giao thông…

Một dạng trách nhiệm khác mà công dân và doanh nghiệp cũng phải tham gia đóng góp là bảo hiểm. Nếu như bảo hiểm y tế chưa bắt buộc tại Việt Nam (ở một số nước bảo hiểm ý tế là bắt buộc) thì bảo hiểm xã hội (BHXH) là bắt buộc mà người lao động và doanh nghiệp đều cùng phải đóng góp.

Trên đây là những ví dụ mà công dân và doanh nghiệp có nghĩa vụ bắt buộc phải đóng góp. Ngoài ra, còn có thể đóng góp ở những dạng tự nguyện khác như quyên góp cho địa phương bị thiên tai, tài trợ cho các chương trình nhân đạo, hoặc có những đóng góp phi tài chính cho xã hội như hiến máu nhân đạo.

Chúng tôi cho rằng, nghĩa vụ bắt buộc với doanh nghiệp là đóng các loại thuế và BHXH. Mọi sự đóng góp khác đều được xuất phát từ sự tự nguyện của doanh nghiệp.

Với những địa phương có nhiều khó khăn về phát triển kinh tế xã hội (thường được gọi bằng “vùng sâu vùng xa”) Nhà nước cần có những chương trình, những chính sách hỗ trợ từ ngân sách quốc gia. Các doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp cho các địa phương này, nhưng trên tinh thần tự nguyện. Chúng ta không thể nói rằng do các địa phương vùng sâu vùng xa có nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất sữa có trách nhiệm phải đóng góp miễn phí sữa cho các địa phương này sử dụng. Hoặc doanh nghiệp sản xuất giấy có trách nhiệm phải phát giấy miễn phí cho học sinh địa phương này đi học. Hoặc ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm tài trợ tiền cho ngân sách các địa phương này. Hoặc các hãng hàng không phải cũng cấp vé miễn phí cho công chức các tỉnh này đi công tác. Hoặc doanh nghiệp xây dựng có trách nhiệm xây dựng miễn phí các nhà tình nghĩa cho các địa phương này. Chúng tôi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường không tồn tại những dạng quy định như đã được liệt kê.

Trách nhiệm hỗ trợ các địa phương này phát triển trước hết phải là trách nhiệm của Nhà nước thông qua việc dành ngân sách phát triển thêm từ ngân sách Quốc gia. Doanh nghiệp chỉ tham gia với tinh thần tự nguyện. Do đó, việc đóng góp vào Quỹ DVVTCI cần được xuất phát từ tinh thần tự nguyện này.

3) Công ty đầu tư hạ tầng, dịch vụ viễn thông và Quỹ DVVVCI

FPT muốn trình bày tiếp theo một số góc nhìn bất cập khác của việc đóng góp vào Quỹ DVVTCI.

Theo quy định hiện hành các doanh nghiệp có đầu tư, vận hành hạ tầng mạng viễn thông phải đóng góp cho Quỹ DVVTCI là 1,5% doanh thu các dịch vụ viễn thông.

Thời gian vừa qua, hạ tầng băng rộng có dây đã thay đổi sang cáp quang. Hạ tầng không dây chuyển sang thế hệ 4G. Mỗi khi đổi thế hệ, chi phí đầu tư rất lớn và phải khấu hao trong nhiều năm. Doanh nghiệp hạ tầng thường phải đi vay ngân hàng để có đủ vốn đầu tư. FPT Telecom trong 2 năm gần đây đã không còn tăng trưởng do phải đầu tư mạnh vào hạ tầng cáp quang. Với những công ty tư nhân, nguồn vốn đầu tư cho thay đổi, nâng cấp, mở rộng hạ tầng viễn thông là một vấn đề khó khăn rất lớn và nói chung cần phải có sự hỗ trợ của ngân hàng.

Mặt khác, với doanh nghiệp nhà nước, việc đóng góp vào Quỹ DVVTCI hay nộp ngân sách Nhà nước không có nhiều sự khác biệt, vì đều là nguồn vốn của Nhà nước. Với công ty cổ phần, câu chuyện khác hẳn. Đó là sự đóng góp từ tài sản, lợi nhuận của các cổ đông vào quỹ, mà quỹ này lại nằm ngoài ngân sách nhà nước, không được sử dụng như Luật Ngân sách quy định.

Nền kinh tế thị trường hiện nay tại Việt Nam đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt với nhiều biện pháp tiếp thị, khuyến mại mạnh mẽ để tranh giành thị phần. Thị trường Internet băng rộng gần đây (đặc biệt là 2015) đã diễn ra việc cung cấp miễn phí thiết bị, hoặc miễn phí dịch vụ IPTV khi đăng ký dịch vụ Internet. Việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông rất khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có lãi, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp có hạ tầng phải đóng vào Quỹ DVVTCI sẽ không công bằng với các doanh nghiệp chỉ thuần túy khai thác hạ tầng viễn thông (mà không đầu tư vận hành). Việc đóng góp vào Quỹ DVVTCI cần được chia sẻ với những doanh nghiệp khai thác hạ tầng. Ví dụ trong lĩnh vực giao thông vận tải, liệu có thể sảy ra chính sách các doanh nghiệp đầu tư vào đường xá, cầu cống phải đóng góp vào quỹ nào đó, còn các doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng hóa, hành khách chạy trên các đường, cầu này lại không phải đóng.

Trong các dịch vụ viễn thông, dịch vụ kết nối Internet nổi lên như một đòn bẩy mạnh cho nền kinh tế số, là xương sống cho nền kinh tế số, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho công dân cũng như cho doanh nghiệp. Nền kinh tế số là chìa khóa phát triển mới cho Việt Nam, giúp chúng ta hòa nhập nhanh vào kinh tế thế giới, rút ngắn khoảng cách tụt hậu với nhiều nước khác. Như vậy những doanh nghiệp triển khai dịch vụ kết nối Internet phải được khuyến khích hỗ trợ, chứ không phải đóng góp thêm vào Quỹ DVVTCI (ngoài các loại thuế đã bắt buộc phải nộp).

Một khía cạnh khác xin được đề cập, các công ty truyền hình số cũng có hạ tầng cáp (đồng hoặc cáp quang), tương tự các công ty hạ tầng viễn thông có dây khác nếu chỉ cung cấp dịch vụ truyền hình số (qua các đầu giải mã) không phải đóng góp vào Quỹ DVVTCI. Nếu các công ty này cung cấp dịch vụ truyền hình số nhưng truyền qua dạng IPVT thì phải đóng vào Quỹ DVVTCI. Cùng là dịch vụ truyền hình số, cùng có hạ tầng như nhau, nhưng mức đóng góp vào Quỹ DVVTCI khác nhau.

Thiết nghĩ,nếu phải đóng góp vào Quỹ DVVTCI, cần cân nhắc, tính toán loại hình dịch vụ phải đóng góp và mức độ đóng góp. Các dịch vụ cơ bản của kinh tế kết số như kết nối Internet, truyền dữ liệu, vận hành trung tâm dữ liệu (DC) hay các dịch vụ gia tăng trên Internet là những dịch vụ cần được khuyến khích, hỗ trợ miễn giảm thay vì đóng góp cho Quỹ DVVTCI.

4) Đóng góp theo doanh thu hay theo lợi nhuận?

Quy định hiện tại, các công ty có hạ tầng mạng viễn thông phải đóng góp hàng năm 1,5% doanh thu các dịch vụ viễn thông của công ty vào Quỹ DVVTCI.

Việc đóng góp dựa vào doanh thu là một bất cập lớn. Doanh nghiệp chỉ đóng góp tài sản thực tế thuộc về doanh nghiệp. Sau kỳ kinh doanh sản xuất, cái có thực thuộc về doanh nghiệp chính là lợi nhuận (nếu kỳ đó doanh nghiệp có lãi). Doanh thu chỉ là một đại lượng phản ánh quy mô kinh doanh sản xuất của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này có thể có doanh thu lớn hơn doanh nghiệp kia nhưng lợi nhuận lại có thể nhỏ hơn rất nhiều lần.

Như FPT đã trình bày, việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hạ tầng (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không có lãi, hoặc lãi thấp. Nếu có lãi đôi khi cũng chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là vài phần trăm. Thử tưởng tượng, với tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập trên doanh thu là 5% (được coi là tốt trong ngành dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập là 20%, tức là trên 1% doanh thu, hay lợi nhuận sau thuế  là 4% trên doanh thu. Nếu doanh nghiệp phải đóng góp 1,5% doanh thu vào Quỹ DVVTCI, tương đương 37,5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Mức đóng góp này gần gấp rưỡi thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng vào ngân sách Nhà nước. Đây là sự bất cập rất lớn nếu dựa vào doanh thu để xác định số đóng góp. Với những doanh nghiệp không có lãi hoặc chỉ lãi chút ít, nếu đóng góp 1,5% trên doanh thu vào Quỹ DVVTCI thì doanh nghiệp không có tiền để nộp, hoặc nếu thực hiện quy định hiện tại, doanh nghiệp này phải lấy tiền từ vốn chủ sở hữu ra để nộp vào Quỹ DVVTCI. Việc này chắc chắn không thể được theo tinh thần luật doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu không thể nộp vào bất cứ quỹ nào, kể cả thuế do cơ quan nhà nước quản lý.

Do vậy, nếu phải đóng góp vào quỹ (ví dụ như Quỹ DVVTCI), doanh nghiệp chỉ có thể đóng góp phần trăm từ lợi nhuận thực hiện trong kỳ kế toán, chứ không thể là phần trăm từ doanh thu, một đại lượng không liên quan gì đến tài sản của doanh nghiệp.

5) Đề xuất kiến nghị

Với những phân tích ở trên, FPT trân trọng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại việc tồn tại Quỹ DVVTCI. Trong trường hợp phải đóng góp vào quỹ, cần giới hạn các dịch vụ viễn thông phải đóng góp, xác định lại những dịch vụ không phải đóng góp (ưu tiên những nhiệm vụ chính của nền kinh tế số). Số tiền đóng góp (trong trường hợp không bắt buộc đóng) không dựa vào doanh thu của doanh nghiệp.

Đề xuất kiến nghị cụ thể như sau: trong giai đoạn 2010-2015, Quỹ DVVTCI chỉ đóng góp từ dịch vụ voice. Dịch vụ này không là dịch vụ của nền kinh tế số. Do vậy, FPT đề nghị mức đóng góp vào Quỹ DVVTCI giai đoạn 2015-2020 dựa trên doanh thu của dịch vụ voice, được tượng trưng và công bằng như các giai đoạn trước.

Cuối cùng FPT được biết Bộ Tài chính sắp ban hành “Phí quyền hoạt động viễn thông” cho các công ty viễn thông, với biểu phí dự kiến là 0,5%/doanh thu hàng năm. Như vậy, với mức phí trên, các công ty viễn thông phải đóng góp đến 2%/doanh thu, gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp.


Đơn vị phản hồi: Bộ Thông tin Truyền thông

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)