Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đề án quy hoạch chung cho ngành dệt may TP : Vì sao bị DN “ngó lơ” ?

Thứ năm, 25-07-2013 | 06:46:00 AM GMT+7 Bản in
Từ lâu, TP HCM đã có chủ trương dời các DN dệt may ra khỏi khu vực trung tâm TP (xem DĐDN số 53, ngày 3/7), tuy nhiên, hiện TP lại chưa có một khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nào cho ngành dệt may. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội may thêu đan TP HCM, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội may thêu đan VN xung quanh vấn đề này.

Từ lâu, TP HCM đã có chủ trương dời các DN dệt may ra khỏi khu vực trung tâm TP (xem DĐDN số 53, ngày 3/7), tuy nhiên, hiện TP lại chưa có một khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nào cho ngành dệt may. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội may thêu đan TP HCM, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội may thêu đan VN xung quanh vấn đề này.

Ông Hồng cho biết, thực ra, từ lâu TP HCM đã tính đến phương án quy hoạch lại ngành dệt may của TP nhưng mãi tới đầu năm 2013, TP mới  bắt tay vào nghiên cứu đề án chuyển dịch cho ngành này.

- Tại sao lại có sự chậm trễ như vậy, thưa ông ?

Đầu tư một KCN, CCN dệt may ở TP HCM có hai vấn đề khó. Một là, khó về mặt bằng vì TP không có chủ trương phát triển ngành dệt may, luôn coi dệt may là ngành thâm dụng lao động cũng như gây ô nhiễm môi trường nên không có quy hoạch đất đai dành cho dệt may.

Hai là, dệt may sử dụng nhiều lao động. Nếu hình thành những KCN tập trung thì không chỉ gây cạnh tranh lao động gay gắt giữa các DN cùng ngành trong KCN và với DN khác trên địa bàn mà còn làm mất đi nguồn lao động vì quãng đường di chuyển từ TP xuống các KCN khá xa, lao động sẽ nản và nghỉ việc.

Tính đến thời điểm này, TP HCM chưa có một KCN, CCN tập trung cho ngành dệt may, trừ KCN dệt may Bình An (khu vực giáp ranh giữa quận 9 và thị xã Dĩ An, Bình Dương) với diện tích 18 ha, vốn đầu tư 98 tỉ đồng. Tuy nhiên, KCN này không phải do nhà nước đầu tư mà do Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) làm chủ.

Ý tưởng hình thành KCN chuyên cho dệt may là rất hay nhưng trên thực tế sẽ gặp khó khăn nên đề án quy hoạch chung cho ngành dệt may của TP cứ bị “lơ” đi.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là : Nếu chuyển các DN dệt may xuống tập trung ở Long An, Vĩnh Long cũng khó vì không thu hút được lao động có tay nghề, nếu chuyển ra ngoại thành lại càng khó vì sẽ phải di chuyển lao động, lao động sẽ rơi rớt dần...

- Vậy theo ông, trong khi chưa có quy hoạch cụ thể thì giải pháp nào giúp các DN dệt may của TP HCM ổn định và phát triển ?

Đối với các DN còn tồn tại ở các quận nội thành không nên mở rộng quy mô sản xuất cũng như tăng lao động mà cần đầu tư theo chiều sâu như trang bị thêm dây chuyền công nghệ hiện đại, thay đổi cách quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Có ý kiến cho rằng, việc dời các DN dệt may ra khỏi nội thành là một chủ trương đúng đắn nhưng TP cần quy hoạch một địa điểm không quá xa trung tâm, đơn cử như xây dựng một KCN dệt may tại Củ Chi chẳng hạn sẽ thuận lợi hơn cho sự phát triển của dệt may. Ông nghĩ sao về điều này ?

Việc quy hoạch KCN dệt may không chỉ liên quan tới khoảng cách mà còn liên quan tới môi trường. Tôi được biết, TP cũng đã có quy hoạch trong khoảng 10-15 năm nữa, tại Củ Chi, những điểm mà hiện nay có thể đầu tư xây dựng nhà máy phục vụ cho ngành dệt may sẽ là những khu dân cư, nếu giờ xây dựng KCN tập trung dệt may tại đây thì tới thời điểm đó lại phải dời sẽ rất tốn kém.

Thực tế, trước giờ việc di chuyển là do các DN tự túc làm, những DN lớn mạnh đã chuyển ra miền Bắc, miền Trung, miền Tây. Đây là sự chủ động của DN, các DN phải “tự lực cánh sinh” chứ hiện nay nhà nước chưa có chính sách gì hỗ trợ.

- Nếu sắp tới, sau khi Đề án quy hoạch chung cho ngành dệt may TP được hoàn thành, có KCN, CCN dành riêng cho dệt may thì theo ông, TP cần có cơ chế, chính sách gì để thu hút các DN dệt may vào những nơi này ?

Nhiều ý kiến cho rằng, khi TP HCM xây dựng được những KCN, CCN dệt may thì việc thu hút đầu tư và mở rộng các DN ngành dệt may vào đây sẽ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do các chính sách về ưu đãi cho DN đầu tư vào KCN không còn hấp dẫn, thay đổi nhiều và nhanh với xu hướng giảm dần ưu đãi. Bên cạnh đó, những yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất như xăng dầu, điện đều gia tăng, lao động có tay nghề thiếu hụt phần nào cản trở việc đầu tư của DN vào những KCN, CCN có sẵn ấy.

Trong khoảng 2 năm nữa, TP phải có một KCN cho ngành dệt may để tập trung các DN sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.

Đồng thời, các dự án dệt may khi đầu tư vào KCN có chi phí đầu tư ban đầu thuê đất khá cao, trong khi đó thời gian thanh toán ngắn (thông thường là 1 năm) nên việc đầu tư vào KCN không còn hấp dẫn DN.

Chính vì vậy, điều mà DN mong đợi nhất là thuế sử dụng đất, DN dệt may sử dụng rất nhiều đất đai cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nên mỗi năm phải đóng một khoản tiền thuế sử dụng đất rất lớn. Do đó, TP nên hỗ trợ thuế đất trong khoảng thời gian 10 năm trở lên. Hơn nữa, nên có chính sách ưu đãi về vay vốn để DN mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở mới.

Thực tế, khi xây dựng KCN, CCN thì vấn đề xử lý nước thải luôn được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, vốn đầu tư cho dệt may, đặc biệt là các DN dệt, nhuộm rất lớn nên chỉ những DN đủ mạnh mới có thể xây dựng được hệ thống xử lý nước thải riêng. Chi phí cho việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải thường chiếm khoảng 50% toàn bộ chi phí xây dựng nhà máy nên hầu như các DNNVV không làm được. Từ đó, rất cần TP xây dựng khu xử lý nước thải tập trung trong KCN, CCN rồi gom lại xử lý, DN luôn sẵn sàng đóng phí. Việc xây dựng KCN tập trung cho ngành dệt may nói chung và dệt, nhuộm nói riêng có vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu không có, ngành dệt, nhuộm của TP sẽ mất dần.

Tôi cho rằng, đã đến lúc TP HCM cần đẩy mạnh việc quy hoạch KCN, CCN cho ngành dệt may, ít nhất trong khoảng 2 năm nữa TP phải có một KCN tập trung cho ngành này để tập trung các DN sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Lý do là tới năm 2018, khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, một trong những điều kiện tiên quyết của TPP là nếu dệt may không có đủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước phục vụ cho ngành thì sẽ không được hưởng các  chính sách ưu đãi từ TPP. Do đó, TP phải đầu tư phát triển vấn đề nguyên phụ liệu cho dệt may để khi đó được hưởng các chính sách ưu đãi tạo đà phát triển cho ngành.

- Xin cảm ơn ông !

(Kỳ tiếp: Ảnh hưởng của TPP đối với các DN dệt may: DN cần chuẩn bị gì?)
N.Thành thực hiện

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)