Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cuộc đua không cân sức

Thứ năm, 14-01-2016 | 14:05:00 PM GMT+7 Bản in
Yếu cả kỹ năng và ngôn ngữ, lao động Việt khó cạnh tranh trong AEC.

Thị trường quá mở, sản phẩm dở dang

Ngô Viết Xuân, kỹ sư phần mềm đang làm việc tại một DN Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam vừa đăng ký một lớp học tiếng Nhật buổi tối. Dù công việc hàng ngày đã chiếm khá nhiều thời gian của anh, nhưng học tập là cơ hội duy nhất để ông chủ gia đình có 2 con nhỏ này có thể vươn lên.

Những vị trí việc làm kỹ năng cao có thể dễ dàng thành mảnh đất màu mỡ cho lao động nước ngoài 

Có lý lịch khá đẹp với bằng tốt nghiệp đại học loại ưu, vốn tiếng Anh lưu loát, song Xuân đặt mục tiêu phải đạt bằng được mức đãi ngộ cao nhất mà công ty dành cho những kỹ sư như anh, mà ở đây tiếng Nhật là tiêu chuẩn được đặt lên hàng đầu để cộng điểm.

Kỹ sư trẻ này cho hay, bằng cấp chuyên môn đã không còn là yếu tố hàng đầu được các nhà tuyển dụng nước ngoài đặt ra, bởi dù tốt nghiệp đại học hay chỉ là cao đẳng, trung cấp, thì cơ hội đặt chân vào DN là ngang bằng nhau giữa các ứng cử viên. Thay vào đó, DN hiện nay rất chú trọng tới vấn đề ngôn ngữ trong giao tiếp.

“Nếu không biết ngôn ngữ nào ngoài tiếng Việt thì dù chuyên môn có tốt đến mấy, cơ hội của bạn cũng bằng không. Nếu biết tiếng Anh thì mức lương của bạn sẽ thấp hơn người biết tiếng Nhật khoảng 100 USD/tháng. Còn nếu biết cả 2 ngoại ngữ này thì đãi ngộ còn cao hơn nhiều lần”, Xuân dẫn chứng từ trường hợp của chính DN mình.

Coi trọng kỹ năng ngôn ngữ như trường hợp DN Nhật Bản nêu trên sẽ không còn là cá biệt, khi mô hình Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thực sự vận hành, mà theo các chuyên gia đây là cơ sở để cho lao động dịch chuyển tự do. Khi đó, cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động tăng lên, cơ hội tuyển chọn lao động có tay nghề cao của DN cũng cao hơn.

Song đi kèm với đó cũng là rất nhiều thách thức đặt ra cho thị trường lao động các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Vấn đề trên đã được chỉ ra tại Hội thảo Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức ngày 13/1.

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH dẫn chứng, chỉ nói riêng về vấn đề ngôn ngữ, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với các nước láng giềng. Bởi hiện nay, người Indonesia và Malaysia… sử dụng ngôn ngữ chung; Lào, Thái Lan, Campuchia có ngôn ngữ nhiều điểm tương đồng, nên họ có thể hiểu tiếng của nhau. Chỉ có lao động Việt Nam là bất lợi nếu không có thêm ngoại ngữ nào khác.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng bổ sung, nhiều NĐT quốc tế đánh giá kiến thức kỹ năng mà Việt Nam đào tạo trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn khoảng cách lớn so với nhu cầu mà họ cần. Chưa kể vấn đề kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam cũng còn kém. “Tóm lại, chúng ta đang cung cấp ra thị trường những sản phẩm về nhân công lao động dở dang, chưa hoàn chỉnh”, ông Diệp thẳng thắn nói.

Thách thức cạnh tranh đang lớn dần

Ông Simon Matthews, Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông - công ty đa quốc gia chuyên nghiên cứu thị trường lao động - cho biết, hiện nay mới có 8 nghề được công nhận tự do dịch chuyển, chiếm 1,5% trong lực lượng lao động toàn khối ASEAN. Dù tỷ lệ này còn nhỏ, song đó mới chỉ là sự khởi đầu của xu hướng dịch chuyển.

Bên cạnh đó, 8 lĩnh vực này đều là những vị trí lao động kỹ thuật đòi hỏi trình độ cao, đãi ngộ tốt, nếu nước ngoài tràn vào thì nhiều khả năng lao động Việt Nam sẽ khó giữ được vị trí của mình.

Ông Simon phân tích, chỉ lấy một lĩnh vực việc làm là y tá, Philippines hiện không có đủ lao động cho thị trường quốc nội vì khi y tá được đào tạo tốt một vài năm trong bệnh viện thì họ tìm cách di chuyển sang các thị trường khác có đãi ngộ cao hơn. 

Trong khi đó, rào cản từ phía Việt Nam là khá lỏng lẻo. Các chuyên gia nhận định, thị trường lao động của Việt Nam quá mở so với các quốc gia khác cùng khối. Do đó, lao động nước ngoài khi vào có vẻ ít gặp phải khó khăn so với các nước khác.

Chẳng hạn tại Thái Lan, lao động nước ngoài muốn vào làm việc phải có giấy phép lao động, trong khi DN phải đáp ứng rất nhiều quy định. Chẳng hạn một số nghề quy định hạn ngạch cứ ít nhất 4 lao động Thái Lan mới được tuyển một lao động nước ngoài.

Chính phủ Singapore thì quy định, muốn tuyển lao động nước ngoài DN phải đăng tin tuyển công khai ít nhất 14 ngày trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Nếu không có đủ số lao động trong nước đáp ứng, khi đó mới được tuyển lao động nước ngoài.

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng cần tổ chức tốt hơn thông tin thị trường lao động để nắm bắt, công bố cho người lao động biết DN nào có vị trí việc làm phù hợp để ứng tuyển nhanh hơn.

Theo ông Diệp, mặc dù trong nước tự do dịch chuyển lao động nhưng thông tin lại do từng tỉnh công bố. Mỗi khi có vị trí cần tuyển, DN có trách nhiệm công bố trong vòng 30 ngày, sau đó được quyền tuyển lao động nước ngoài nếu trong nước không thể đáp ứng. Để tổ chức hiệu quả hơn, ông đề xuất phải phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để chia sẻ thông tin trên hệ thống quốc gia, khi đó người lao động mới có thể nhanh chóng nắm được thông tin và tìm đến ứng cử kịp thời.

Ngọc Khanh (Thời báo Ngân hàng)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)