Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Credit Suisse cắt 4.000 nhân sự ngay sau công bố thua lỗ nặng nề

Thứ hai, 08-02-2016 | 10:35:00 AM GMT+7 Bản in
(TBTCO) - Cổ phiếu ngân hàng nổi tiếng Thụy Sĩ Credit Suisse Group AG (CS) vừa tụt xuống mốc thấp nhất trong vòng 24 năm qua sau khi họ công bố kết quả kinh doanh thua lỗ lần đầu tiên kể từ hồi 2008. Kế hoạch tinh giản biên chế cũng được đưa ra gần như ngay lập tức.
Credit Suisse cắt  4000 nhân sự ngay sau công bố thua lỗ nặng nề
CEO Credit Suisse Tidjane Thiam tuyên bố cắt giảm 4.000 nhân sự sau khoản lỗ lớn năm 2015 - Ảnh: The Guardian

Theo bản báo cáo tình hình kinh doanh thường niên nói trên, tính cả năm vừa qua nhà băng lớn thứ nhì của quốc gia Tây Âu này đã thua lỗ tới 2,9 tỷ francs Thụy Sĩ (2,8 tỷ USD). Nhìn riêng quý IV, CS thất thu đến 5,83 tỷ francs (5,75 tỷ USD), so với khoản lãi ròng 691 triệu francs họ thu được trong 3 tháng cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là do các khoản phạt cao kỷ lục, cũng như tình trạng thua lỗ trong các hoạt động ở mảng ngân hàng đầu tư. Đáng chú ý, đây là một trong hai mảng hoạt động chính của họ, và từ trước đến nay Credit Suisse luôn được đánh giá là một trong những ngân hàng đầu tư uy tín nhất trên thế giới. Cổ phiếu của họ tại Thụy Sĩ ngay lập tức mất 12%, và giá trị vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” đến 1/3 chỉ trong 1 tháng qua.

Đáng chú ý, đây mới là lần thua lỗ đầu tiên của “ông lớn” ngành tài chính Thụy Sĩ này kể từ sau khoản thất thu kỷ lục lên tới 8,2 tỷ francs hồi năm 2008. Lần đó, cũng vào quý cuối năm, Credit Suisse báo cáo lỗ lớn trong các hoạt động giao dịch, đồng thời sau hoạt động cải tổ cấu trúc đã có 11% nhân sự bị thải loại.

7 năm sau, hiện có vẻ lịch sử đang lặp lại đối với ngân hàng Thụy Sĩ nổi tiếng này. Trong bản thông cáo mới nhất vừa đưa ra chiều ngày 4/2, đại diện của CS cho biết con số lỗ năm qua phần lớn đến từ khoản khấu hao khổng lồ trị giá 3,8 tỷ francs (gần 3,8 tỷ USD) tính riêng trong quý tài khóa IV năm 2015, sau khi nhà băng này xác định, tính toán lại giá trị mảng ngân hàng đầu tư. Đây cũng là một phần của kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ đang liên tục diễn ra trong nội bộ Credit Suisse.

Ngoài ra, một phần lớn chi phí của họ thời gian gần đây liên quan đến tổ hợp đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette của Phố Wall mà nhà băng này đã thâu tóm hồi năm 2000. Thương vụ đình đám trị giá 11,5 tỷ USD mua lại DLJ từ cách đây 15 năm, hồi ấy từng được ca ngợi là bước đột phá của Credit Suisse tại thị trường tài chính Wall Street. Tuy vậy, việc mở rộng “địa bàn” hoạt động đầu tư này hiện không tạo ra được lợi nhuận như ngân hàng Thụy Sĩ kỳ vọng.

Doanh thu thuần từ các cá nhân và bên cho vay tại thị trường vốn cùng ngân hàng đầu tư đã giảm đến 17% trong năm 2015. Doanh số thu nhập cố định và các khoản phí giao dịch cũng “giảm một cách đáng kể” – như đại diện của Credit Suisse thông báo. Trước tình hình đó, CEO Tidjane Thiam tuyên bố sẽ đẩy nhanh chương trình cắt giảm chi phí trong năm 2016. Cụ thể, sẽ có 4000 nhân viên bị sa thải – tương đương khoảng 10% lực lượng lao động tại CS.

Ông Thiam, người mới nhậm chức Tổng giám đốc điều hành cách đây 7 tháng, lần đầu tiên công bố kế hoạch tái cấu trúc Credit Suisse hồi tháng 10/2015. Ông muốn tập trung hơn vào mảng quản lý tài sản và những thị trường mới nổi. Vị CEO này liên tục kêu gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư, đồng thời hứa hẹn sẽ cắt giảm chi phí tại tập đoàn tài chính Thụy Sĩ của mình tới 3,5 tỷ francs từ giờ cho đến trước cuối năm 2018.

“Trong môi trường kinh doanh đầy thách thức như chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ của chương trình tiết kiệm chi phí sẽ được ưu tiên thực hiện hàng đầu” – ông Thiam kết luận./.

Ngọc Vũ (thời báo tài chính Việt nam)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)