Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Công nghệ - bàn đạp mới để công ty chứng khoán bật cao

Thứ tư, 29-05-2024 | 15:51:00 PM GMT+7 Bản in
Hiện nay, các công ty chứng khoán (CTCK) sử dụng công nghệ như một “bàn đạp” quan trọng để thu hút khách hàng. Nhiều công ty sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ở mảng môi giới để tiếp cận nhiều nhà đầu tư hơn, từ đó bán chéo các sản phẩm như cho vay margin, tư vấn đầu tư hay quản lý tài sản.

Bàn đạp để thu hút khách hàng

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2023, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trên cả ba sàn chứng khoán tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 23%. Mức tăng ấn tượng này được thúc đẩy nhờ tốc độ tăng lượng tài khoản giao dịch mở mới của nhà đầu tư trong nước lên đến 25%/năm, được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19, cộng hưởng với tiến bộ công nghệ cho phép khách hàng mở mới tài khoản chứng khoán trực tuyến.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, việc tích hợp dịch vụ tư vấn đầu tư và giao dịch trên nền tảng công nghệ và điều kiện nhân khẩu học thuận lợi sẽ giúp các công ty chứng khoán mở rộng thị phần một cách nhanh chóng. Được biết, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nhà đầu tư trên tổng dân số tại Việt Nam chỉ khoảng 7%, thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia, lần lượt là 7,5% và 12,5%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE, toàn thị trường hiện có khoảng trên 7 triệu tài khoản chứng khoán nhưng vẫn còn khá nhỏ bé so với hơn 100 triệu người dân Việt Nam. Ông Giang ví thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ ở chân của một con sóng mới với sự tham gia ngày càng rộng rãi của những người trẻ, những nhà đầu tư coi chứng khoán là một kênh tích lũy tài sản dài hạn khi thu nhập của họ ngày càng tăng. Đây là cơ hội rất lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp nền tảng đầu tư phù hợp.

Ông Giang cho biết theo mô hình truyền thống, một nhân viên môi giới chỉ có thể phục vụ được một lượng khách hàng nhất định, nếu phục vụ quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ; tuy nhiên nếu tăng số lượng nhân viên môi giới thì công ty chứng khoán sẽ phải đối mặt với bài toán chi phí.

Theo tính toán của ông Giang, số lượng nhà đầu tư cần được phục vụ hiện nay nếu chia bình quân cho số lượng nhân viên môi giới thì lên tới con số hơn 640, trong khi mỗi nhân viên môi giới chỉ có thể phục vụ tốt khoảng 30-40 khách hàng. Do đó, câu hỏi đặt ra là làm sao để phục vụ tốt những khách hàng còn lại. Đây là cơ hội rộng mở cho các công ty sử dụng công nghệ để phục vụ nhà đầu tư.

Chia sẻ câu chuyện cụ thể tại DNSE, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Giang cho biết điều đầu tiên khi xây dựng nền tảng công nghệ là làm sao để khách hàng hiểu được các vấn đề hết sức đơn giản trong đầu tư chứng khoán, chẳng hạn như lãi và lỗ. Theo ông Giang, nhiều nhà đầu tư cá nhân hiện nay không tính được chi phí vốn thực tế, vốn dĩ không chỉ bao gồm giá vốn, thuế, phí mà cả lãi vay margin, nên trong nhiều trường hợp, lỗ mà tưởng là lãi, do đó làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn của các quyết định mua - bán.

Bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm truyền thống như cho vay margin, DNSE cũng hướng đến kết nối với các nền tảng khác như ngân hàng, ví điện tử, fintech để trở thành một trung tâm tài chính, kết nối nhu cầu của các tổ chức tài chính đến với người dùng thông qua công nghệ.

Hiện nay, các công ty chứng khoán sử dụng công nghệ như một “bàn đạp” quan trọng để thu hút khách hàng. Nhiều công ty sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ở mảng môi giới, giảm phí giao dịch và áp dụng công nghệ như mở tài khoản tự động, tư vấn đầu tư bằng AI, thiết kế danh mục đầu tư mẫu… để nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó tiếp cận nhiều nhà đầu tư hơn, từ đó bán chéo các sản phẩm như cho vay margin, tư vấn đầu tư hay quản lý tài sản.

Ảnh minh hoạ

Mỗi CTCK phải tìm điểm cân bằng riêng

Hiện tại, một số công ty chứng khoán như TCBS, MBS và BSI đang cố gắng đón đầu bằng cách giới thiệu các sản phẩm dựa trên AI hoặc cung cấp dịch vụ sao chép giao dịch cho phép nhà đầu tư sao chép giao dịch của các nhà đầu tư khác, chẳng hạn như iCopy của TCBS hoặc Copi24 của MBS.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, cả hai xu hướng trên đều có chung một điểm mạnh là cung cấp khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán cho những nhà đầu tư không chuyên với quỹ thời gian hạn hẹp. Chuyên gia cho rằng điểm mạnh của các sản phẩm dựa trên AI nằm ở việc giải quyết các xung đột lợi ích và thiên kiến đầu tư, thường xảy ra trong các mô hình môi giới truyền thống. Còn đối với các sản phẩm sao chép giao dịch, chúng có thể giúp các nhà đầu tư mới nhìn thấy kết quả ngay lập tức, từ đó đẩy nhanh quá trình mở rộng thị phần.

Việc ứng dụng AI trong đầu tư cũng đang là xu hướng. Theo đánh giá của FPT Digital, việc ứng dụng AI mang lại những hiểu biết sâu sắc về xu hướng và cơ hội đầu tư tiềm năng trong thị trường vốn đầy biến động.

Cụ thể, việc ứng dụng AI vào phân tích dữ liệu giúp đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên khối lượng dữ liệu ngày càng tăng. Các thuật toán AI có thể học hỏi từ các xu hướng và mẫu mới nhất như dữ liệu, trải nghiệm và phản hồi mới, cho phép chúng liên tục cải thiện hiệu suất và thích ứng với các điều kiện thị trường thay đổi.

Cùng với đó, cố vấn robot giúp đưa ra khuyến nghị và quản lý danh mục đầu tư nhằm phục vụ các mục tiêu tài chính cụ thể của nhà đầu tư và đưa ra lời khuyên phù hợp dựa trên nhu cầu của họ.

Trong quản lý tài sản và giám sát danh mục đầu tư, AI có thể tự động hóa quá trình tạo báo cáo và hồ sơ pháp lý, đồng thời đảm bảo việc nộp báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý.

Tuy vậy, do nền tảng lịch sử, quản trị và công nghệ của mỗi công ty chứng khoán là khác nhau nên các công ty chứng khoán sẽ phải tìm điểm cân bằng cho riêng mình. Quá thiên lệch về phát triển công nghệ chưa chắc đã tốt cho một số công ty chứng khoán, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Chúng tôi tin rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để chứng minh tính hiệu quả của các phương pháp được coi là tiên tiến nhất như AI hay iCopy do các yếu tố liên quan đến: 1) chi phí công nghệ; 2) chi phí giáo dục khách hàng vì đầu tư tài chính phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin được xây dựng qua nhiều năm; 3) hiệu quả của tài khoản mẫu; và 4) thiếu các quy định nghiêm ngặt liên quan đến dịch vụ sao chép giao dịch, đặc biệt là về quản lý sản phẩm, tiêu chuẩn về mô hình và tài khoản sao chép, khả năng tương thích với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư như ở các thị trường phát triển khác”, chuyên gia của VNDIRECT lưu ý.

Điều này cho thấy, tuy các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến có thể phát triển nhanh chóng trong chu kỳ tăng trưởng của ngành nhưng sự bất ổn trong giai đoạn khó khăn có thể làm tổn hại đến thương hiệu của các công ty chứng khoán. Do đó, theo chuyên gia của VNDIRECT, các công ty chứng khoán cần đạt được sự cân bằng giữa dịch vụ môi giới truyền thống (dựa trên các chuyên viên môi giới, tư vấn đầu tư) và đổi mới công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng nhằm mở rộng thị phần. 

Theo Thanh Long (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)

https://vietnamfinance.vn/cong-nghe--ban-dap-moi-de-cong-ty-chung-khoan-bat-cao-d110892.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)