Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cơn 'ác mộng' của các ngân hàng Châu Âu bao giờ chấm dứt?

Thứ sáu, 19-02-2016 | 10:59:00 AM GMT+7 Bản in
(TBTCO) - Kể từ sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008, các nhà đầu tư đang ngày càng mất kiên nhẫn đối với những thủ lĩnh của các ngân hàng ở Châu Âu. Các ngân hàng này thực sự đang trong một “cơn ác mộng” không biết khi nào đến hồi kết.
Cơn “ác mộng” của các ngân hàng Châu Âu bao giờ mới đến hồi kết?
Ảnh: Bloomberg

Chật vật với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, 8 ngân hàng lớn nhất Châu Âu tính đến nay đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự lên tới 100.000 việc làm, chi trả 63 tỷ USD tiền phạt liên quan đến pháp lý và chứng kiến 420 tỷ USD giá trị thị trường "bốc hơi". Trong năm 2015, chỉ riêng Deutsche Bank đã thua lỗ mức kỷ lục 7,6 tỷ USD.

Vào giữa tháng 2 vừa qua, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng trải qua một đợt bán tháo ồ ạt do mức lãi suất âm, sự giảm tốc của Trung Quốc, sự sụp đổ của giá dầu cùng gánh nặng chi phí pháp lý, châm ngòi cho nỗi hoảng sợ lan rộng ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 2008.

Chỉ trong năm ngoái, một lọat các ngân hàng đã thay thủ lĩnh, bao gồm Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered.

Hiện nay, những ngân hàng này lại đang chật vật xoay xở để tìm ra một hướng đi trong một thị trường đang được tái cấu trúc bởi những quy định về vốn ngày càng chặt chẽ hơn, cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các doanh nghiệp khởi nghiệp về tài chính công nghệ mà không phải chịu điều chỉnh bởi những quy định chặt chẽ này.

Trong khi các ngân hàng của Mỹ dường như đã tìm ra được “lối ngoặt” sau mùa thu đáng sợ năm 2008, thì các tổ chức tín dụng của Châu Âu vẫn mắc kẹt trong chiếc áo khoác quá rộng của mình.

CEO của Credit Suisse, Tidjane Thiam, đang nỗ lực sắp xếp lại ngân hàng đầu tư và thúc đẩy doanh thu từ lĩnh vực quản lý tài sản trong vòng 2 năm tới. Jes Staley của Barclays đã sớm tiến hành cắt giảm 1.200 việc làm và đóng cửa văn phòng ở Châu Á và Úc ngay sau khi đảm nhiệm vị trí CEO vào tháng 12. John Cryan, người đã thay thế Jain ngồi vào vị trí thủ lĩnh của Deutsche Bank cũng đang nỗ lực tiến hành một đợt tái cấu trúc toàn diện đối với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Deutsche Bank, để củng cố lại hệ thống quản lý rủi ro.

Cuộc lột xác đau đớn

Ngành ngân hàng Châu Âu cần phải trải qua một giai đoạn lột xác đau đớn với yêu cầu cải cách toàn diện và triệt để của mô hình hoạt động cốt lõi.

Kể từ cuối những năm 90, các ngân hàng Châu Âu đã nỗ lực củng cố sức mạnh thông qua hợp nhất, trở thành những “siêu thị” tài chính và nỗ lực bán càng nhiều sản phẩm và dịch vụ đến nhiều khách hàng. Hệ thống ngân hàng Châu Âu là một hệ thống “niềm tin” được xây dựng dựa trên những cam kết về hiệu quả và tăng trưởng.

Cuối cùng thì chế độ vận hành này đã thất bại trong việc tìm ra một con đường đến sự bền vững. Hiện nay, các ngân hàng này cần phải trải qua một quá trình tiến hóa để tiếp tục cuộc chơi.

Cơn ác mộng đối với ngành ngân hàng Châu Âu sẽ còn kéo dài khi các thủ lĩnh vẫn đang chật vật tìm ra một lối thoát, trong bối cảnh các nhà đầu tư không còn “rộng lượng” như trước và nền kinh tế châu lục trì trệ.

Vào ngày 8/2, cổ phiếu của Deutsche Bank đã sụt giảm gần 10%, theo số liệu của Bloomberg. Nguyên nhân chính là do một lời cảnh báo được các chuyên gia tín dụng ở London đưa ra với các khác hàng rằng: Deutsche bank có thể sẽ không đủ khả năng thanh toán lợi tức cho một vài loại trái phiếu rủi ro trong năm tới.

Thêm vào đó, dịch vụ cho vay ngang hàng, ngân hàng trực tuyến và sự xuất hiện của tiền ảo đang trở thành những mối đe dọa đáng lo ngại đối với ngân hàng. Để đối phó, các ngân hàng đã chạy đua bằng việc thành lập các quỹ để nuôi dưỡng doanh nghiệp khởi nghiệp, tham gia vào việc sáng lập và thậm chí là sáng chế ra đồng tiền ảo của riêng mình.

Hiện nay, hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đang tấn công vào dịch vụ cốt lõi của ngân hàng bán lẻ tại Mỹ và Anh - theo CB Insights, một công ty nghiên cứu ở New York.

Theo số liệu của Innovate Finance, trong vòng 2 năm qua, 24 tỷ USD đã được rót vào các doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ.

“Ngành ngân hàng đang chứng kiến một sự thay đổi cốt lõi”, Sam Hocking hiện đang quản lý AltX, một doanh nghiệp khởi nghiệp về phân tích đầu tư cho biết.

Steve Schwarzman, Chủ tịch Quỹ đầu tư Blackstone cho rằng phục hồi kinh tế ở Châu Âu đang bị bóp nghẹt bởi sự phục thuộc quá nặng nề vào ngân hàng. “Quá nhiều quy định đang làm cho mọi thứ trở nên nguy hiểm”.

Jeroen Dijsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan cho rằng, còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo các ngân hàng lấy lại vai trò hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng ì ạch của Châu Âu là do hậu quả của khủng hoảng tài chính và hiện có quá nhiều quy định đang tồn tại như những rào cản.

Clayton Christensen, một giáo sư của trường kinh tế Harvard cho biết: Nhiều “di sản” để lại trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Châu Âu đang cản đà các ngân hàng này thực hiện những bước nhảy vượt bậc như các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tóm lại, rắc rối của ngành ngân hàng có thể xuất phát từ một yếu tố: đó là “chi phí của sự phức tạp”. Từ những năm 90, những lời chỉ trích về quy mô của các ngân hàng này như “quá lớn để quản lý”, “quá lớn để sụp đổ” không có trọng lượng do chính sự phức tạp đã giúp cho các ngân hàng này khởi sắc.

Hiện nay sự phức tạp không còn khả năng giúp các ngân hàng Châu Âu duy trì sự thịnh vượng nữa, mà thay vào đó là một yêu cầu bức thiết chuyển đổi sang mô hình đơn giản và hiệu quả hơn. Quá trình tái cấu trúc để quay về với sự cơ bản thực tế sẽ vô cùng phức tạp và thậm chí tiềm ẩn những nguy hiểm vô hình./.

Mai Linh (Thời báo tài chính Việt nam)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)