Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Ông Hà Mạnh Linh tham gia bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới, xe ông bị va chạm giao thông dẫn đến hư hỏng nặng. Trong hợp đồng bảo hiểm quy định như sau:
"Điều 2: Quy tắc bảo hiểm
2.1. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới:
Phạm vi bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và các nội dung khác được áp dụng theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021
2.2. Bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới:
Phạm vi bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và các nội dung khác được áp dụng theo Quy tắc bảo hiểm số 187/2019/QĐ-BHHK biên bản thỏa thuận dân sự có ghi:
Phần dân sự: Các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông đã tự nguyện thống nhất hòa giải thỏa thuận dân sự bằng biên bản, phương tiện bên nào hỏng, bên đó tự khắc phục sửa chữa, không đề nghị khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại".
Như vậy, theo ông Linh hiểu thì bảo hiểm thân vỏ sẽ không liên quan gì đến biên bản TNDS. Nhưng hiện phía công ty bảo hiểm đang giảm trừ 50% đối với thiệt hại của xe ông với lý do chủ xe/lái xe không bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền đòi bồi thường người thứ ba cho công ty bảo hiểm kèm theo toàn bộ hồ sơ, các căn cứ tài liệu cần thiết, không hợp tác chặt chẽ với công ty bảo hiểm đề đòi lại người thứ ba hoặc tự động thỏa thuận bồi thường với người thứ ba gây thiệt hại cho công ty bảo hiểm.
Khi xảy ra tai nạn bên công ty bảo hiểm không hướng dẫn ông làm sao để giữ quyền khiếu nại đối với bên thứ ba (TNDS) và áp dụng quy tắc TNDS (Điều 2.1) để giảm trừ 50% tiền bồi thường bảo hiểm vật chất tự nguyện (Điều 2.2).
Ông Linh hỏi, phía công ty bảo hiểm làm như vậy là đúng hay sai?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm: "Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm".
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn:
"1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm".
Căn cứ Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không quy định về việc giảm trừ 50% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm không chuyển quyền đòi bồi thường người thứ ba cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Trên cơ sở đó, đề nghị ông Hà Mạnh Linh phối hợp với công ty bảo hiểm để giải quyết vụ việc theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Trường hợp hai bên không thống nhất được cách thức giải quyết bồi thường thì có thể đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết theo quy định tại Khoản 3, Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: "Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:… 3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự…".
Theo Mai Chi (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/co-quy-dinh-giam-tru-boi-thuong-bao-hiem-xe-hay-khong-102221104091911747.htm