Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Có phải ký lại hợp đồng lao động khi công ty cổ phần hóa?

Thứ ba, 05-07-2016 | 09:32:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Ông Huỳnh Lê Hùng (TP. Hồ Chí Minh) làm việc tại công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Vừa qua công ty cổ phần hóa và yêu cầu toàn bộ người lao động ký kết lại hợp đồng.

Ông Hùng hỏi, yêu cầu của công ty có đúng quy định không? Nếu ông không chấp nhận ký kết hợp đồng lao động mới thì công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 4, Điều 196 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, khi chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước, hoặc công ty TNHH thành công ty cổ phần thì, công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Điều 35 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau: Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

Về vấn đề ông Huỳnh Lê Hùng hỏi, căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 196 Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty chuyển đổi là công ty cổ phần hiện nay phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động mà công ty được chuyển đổi là công ty TNHH một thành viên Nhà nước đã ký với người lao động, cho tới khi hai bên (công ty và người lao động) thoả thuận sửa đổi, bổ sung; hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; hoặc hợp đồng lao động đó hết hạn.

Mặt khác, căn cứ quy định tại Điều 35 Bộ Luật lao động năm 2012, khi người sử dụng lao động có đề xuất thay đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày.

Trường hợp hai bên thỏa thuận việc thay đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động, thì tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng lao động, mà không hủy bỏ hợp đồng lao động đã ký kết với công ty TNHH một thành viên Nhà nước (nay công ty cổ phần kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện).

Hai bên cũng có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động cũ, giao kết hợp đồng lao động mới với nội dung được sửa đổi, bổ sung.

Nếu công ty chuyển đổi là công ty cổ phần (nơi ông Hùng đang làm việc) bắt buộc người lao động hủy bỏ hợp đồng lao động mà công ty đó đương nhiên kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm từ công ty được chuyển đổi là công ty TNHH một thành viên Nhà nước, để ký kết hợp đồng lao động mới với nội dung được thay đổi, bổ sung là trái quy định.

Chỉ ký kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng lao động đã giao kết chấm dứt trong trường hợp hết hạn hợp đồng; đã hoàn thành công việc theo hợp đồng; hoặc hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng đã ký.

Trường hợp ông Hùng không thỏa thuận việc thay đổi, bổ sung hợp đồng lao động không xác định thời hạn đã giao kết trước đây, thì công ty và ông Hùng có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện đúng nội dung hợp đồng lao động đã giao kết.

Nếu công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết đối với ông Hùng vì lý do ông không ký kết lại hợp đồng theo nội dung mới là trái pháp luật.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)